Ông Võ Văn Thạch, ấp Bình Hòa, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, ông có 1 tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 mang biển hiệu BV 96279, công suất 1.300 mã lực. Sau khi hoàn tất con tàu, ông Thạch được hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu tại Công ty bảo hiểm PJICO Vũng Tàu.

Tàu ông Thạch chính thức hoạt động khai thác từ tháng 8/2017, đến cuối năm 2017 chiếc tàu trên va chạm với một tàu đánh cá khác khiến tàu bị gãy lan can cabin, cong be chắn sóng. Ông Thạch đã thông báo và công ty bảo hiểm cũng đã đến xem xét, rồi yêu cầu ông kêu thợ tới kiểm tra những hư hỏng, báo giá sửa chữa.

vov_tau_ihje.jpg
Ngư dân tàu 67 không thể ra khơi vì vướng bảo hiểm.

Phía thợ, sau khi kiểm tra, báo giá sửa chữa các hư hỏng của tàu là 65 triệu đồng, nhưng phía bảo hiểm không đồng ý với lý do giá cao. Ông Thạch nhờ công ty bảo hiểm hỗ trợ gọi thợ sửa chữa khác, lần này giá sửa chữa là 34 triệu đồng. Bảo hiểm yêu cầu chủ tàu bỏ tiền ra sửa chữa, sau đó phía công ty sẽ thẩm định lại và hoàn tất thủ tục thanh toán lại với chủ tàu. 

Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bên bán bảo hiểm, cơ sở sửa chữa và ngư dân và bản thân ông Thạch không có tiền để sửa chữa nên tàu vẫn nằm bờ.

“Giữa ba bên làm biên bản cam kết về chất lượng sửa chữa, nhưng bảo hiểm nói rằng không có biên bản như thế, tôi là người dân không biết phải làm sao. Kêu thợ cơ khí làm nhưng phải có hóa đơn đỏ mới bồi thường. Hư hỏng nhỏ mà đi tới Sài Gòn sửa sao, chi phí ai chịu. Năm 2018 đi được 2 chuyến rồi nằm bờ đến nay, giờ hết hạn bảo hiểm cũng chưa sửa chữa và chưa đóng bảo hiểm lại”, ông Võ Văn Thạch cho biết.

Còn anh Nguyễn Trường Quang, ngụ ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng, huyện Long Điền là chủ của 2 tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67, cả 2 tàu đều tham gia bảo hiểm của Công ty bảo hiểm PJICO Vũng Tàu, mức đóng hơn 361 triệu đồng/năm/2 tàu. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 90% (theo Nghị định 67) nên số tiền bảo hiểm anh phải đóng cho 2 tàu là gần 40 triệu đồng. Tháng 4/2017, cả 2 tàu cá của anh đều bị hư hỏng phần chân vịt. Anh đã báo phía công ty bảo hiểm xuống kiểm tra. Phía công ty bảo hiểm cũng yêu cầu anh bỏ tiền ra sửa chữa, sau đó phía bảo hiểm sẽ thanh toán lại.

Cả 2 tàu anh phải chi trả tiền công kéo từ ngoài khơi vào bờ, tiền dầu cho tàu kéo vào bờ, tiền mua chân vịt thay thế mới và công thợ sửa chữa cho 2 tàu là 204 triệu đồng. Tuy nhiên, cách đây ít ngày phía Công ty bảo hiểm đã chi trả cho anh 80 triệu đồng sau hơn 2 tháng chờ đợi xác minh, thẩm định từ phía công ty.

Theo anh Quang, với số tiền này anh không thấm vào đâu so với chi trả các khoản trước đây: “Thứ nhất, tôi đề nghị bảo hiểm sớm chi trả để tiếp tục có tiền mua bảo hiểm mới, thứ hai khó khăn về biển là mất mùa thì xin cơ quan nhà nước, các ngân hàng giãn nợ cho tôi một vài năm đến khi có thu nhập tốt thì sẽ trả gốc, còn bây giờ xin được trả phần lãi”.

Liên tục nằm bờ nhiều chủ tàu không có khả năng mua bảo hiểm mới.

Đây là 2 trong một số trường hợp ngư dân tàu đóng tàu theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh gặp khó khi làm thủ tục thanh toán bảo hiểm.

Trước vấn đề này, nhiều ngư dân có đóng tàu theo Nghị định 67 kiến nghị được lựa chọn công ty bảo hiểm để tham gia đóng bảo hiểm cho tàu cá của mình. Do thời gian gần đây, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập nên bà con ngư dân cũng kiến nghị nhà nước cho bà con đóng như mức đóng bảo hiểm cũ của Nghị định 67 tức ngư dân đóng 10%, nhà nước hỗ trợ 90%.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác nhận, thời gian gần đây, đã có rất nhiều ý kiến của bà con ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 liên quan đến việc phía công ty bảo hiểm làm “khó” ngư dân: “Hiện nay bảo hiểm của mình gần như độc quyền, chỉ có một đơn bị bán thôi nên bà con rất kêu ca, rất chậm thanh toán. Đề nghị cho bà con được mua bảo hiểm và lựa chọn phục vụ tốt thì mua. Sở nông nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính cho bà con được quyền lựa chọn nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời của cơ quan chức năng”.

Trước vấn đề này, chúng tôi cũng đã trao đổi với phía Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu. Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho biết, chủ tàu khi có tàu xảy ra sự cố hư hỏng phải cung cấp cho phía công ty bảo hiểm để hoàn thành hồ sơ gồm những loại giấy tờ như: giấy đăng ký, đăng kiểm tàu; giấy phép khai thác; sổ hành trình; danh sách thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng của tàu theo từng chuyến biển:  “Theo quy định chủ tàu phải cung cấp hồ sơ đầy đủ, trước đây PJICO Vũng Tàu được phân cấp giải quyết những vụ 50 triệu, bây giờ chỉ 20 triệu thôi. Sự cố phải xử lý không quá 15 – 20 ngày”.

Qua những vụ việc trên, để đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của các bên, cơ quan bảo hiểm cần cung cấp thông tin đầy đủ đến ngư dân trước khi tham gia ký kết hợp đồng. Nhà nước cũng nên để ngư dân lựa chọn nhà cung cấp bảo hiểm có dịch vụ tốt nhất để họ yên tâm lao động, sản xuất./.