Vụ việc 20 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ tại địa bàn tỉnh Bình Định không đảm bảo chất lượng đã được các ngành chức năng kết luận và đang tập trung khắc phục sự cố. Cả 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đang tập trung sửa chữa tàu vỏ thép bị hỏng.

Thế nhưng, hiện 20 hợp đồng vay vốn của các chủ tàu với ngân hàng đã bị chuyển thành nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định đang chờ hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước Trung ương để có giải pháp hỗ trợ bà con ngư dân. 

vov_tauca2_tqzp.jpg
Các doanh nghiệp đang tích cực sửa chữa tàu cho ngư dân.
Những ngày này, chủ tàu cá ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, tỉnh Bình Định đang phối hợp với đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) tiến hành sửa chữa lại tàu vỏ thép. Công ty TNHH MTV Nam Triệu điều động gần 30 công nhân vào Hoài Nhơn để sửa chữa, khắc phục cho 6 tàu vỏ thép bị hỏng, nhưng lắng nhất của các chủ tàu hiện nay là tiền vốn vay phải trả nợ ngân hàng.

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu cá BĐ 99567 ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, ngân hàng vẫn chưa có thông báo sẽ gia hạn hay khoanh nợ như thế nào.

“Khoản vay ngân hàng đang đến kì phải trả vốn và lãi nên tạo ra áp lực không nhỏ đối với ngư dân. Gia đình cũng đã báo cáo với ngân hàng, nhờ các cơ quan tạo điều kiện để có phương tiện ra khơi mới có tiền trả lãi được. Tàu cá cứ nằm bờ 3 - 4 tháng nữa là phá sản, không có cách gì trả được vốn và lãi cho ngân hàng”, anh Mạnh cho biết.

Mới đây, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng khoanh nợ, giãn nợ cho các ngư dân có tàu cá bị hư hỏng trong thời gian không đi biển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

Ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, khi nào nhận được hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng hỗ trợ bà con ngư dân.

“Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nhưng chi nhánh Bình Định chưa nhận được văn bản chỉ đạo hướng dẫn. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, thống kê các chủ tàu về dư nợ và các khoản nợ đến hạn do tàu không đi đánh bắt được nên không trả được nợ đúng kỳ hạn, hiện nay đã chuyển qua các nhóm nợ. Khi nào có văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện ngay để xử lý cho các khoản mà các ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng hiện đang nằm bờ”, ông Hải khẳng định./.