Quý 1 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 8,7 tỷ USD, mức tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,05%. Trồng trọt là lĩnh vực đóng góp nhiều “điểm sáng”, mức tăng trưởng cao 5,16%,. Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý 1 sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoài (tăng 5,4%). Nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Trong quý 1, thời tiết mưa thuận gió hòa ở những vùng sản xuất nông nghiệp chính của cả nước. |
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng trưởng ngành nông nghiệp trong quý 1/2018 chứng tỏ quá trình tái cơ cấu trong nông nghiệp theo đúng hướng, bắt đầu phát huy hiệu quả. Các ngành hàng về thủy sản, cây ăn quả đóng góp rất đáng kể cho xuất khẩu. Trong khi đó, việc điều chỉnh lại cơ cấu lúa gạo, xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao và có giá trị cao hơn là một trong những thành công mở đầu cho việc điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, quý đầu năm nay thời tiết thuận lợi ở những vùng sản xuất nông nghiệp chính của cả nước. Cùng với nhu cầu trên thị trường thế giới tăng trưởng tốt, các mặt hàng xuất khẩu giá cũng ổn định.... góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng quý 1.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp 2-3% đã là tốt, nếu là trên 4% là quá ngoạn mục, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần xem xét nhiều yếu tố trong tăng trưởng. Tăng trưởng giải quyết lao động ra sao, việc tăng trưởng có ảnh hưởng đến môi trường hay không, thu nhập của người nông dân có tăng?
Ông Long cho rằng, tăng trưởng phải tính đến hiệu quả. Nói đến tăng trưởng nông nghiệp cao nhất 15 năm qua thì phải nhìn cả mặt chất lượng của nông nghiệp, chỉ nhìn riêng số lượng thì chưa đánh giá đúng một cách toàn diện.
Câu chuyện nông sản được mùa mất giá, giải cứu củ cải, xu hào… trong quý 1/2018 không phải là hiếm. Do đó, cần nhìn nhận về tốc độ tăng trưởng nông nghiệp để có hướng phát triển ổn định, hiệu quả và liên tục. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu trong nông nghiệp hiệu quả, giải quyết công ăn việc làm của người nông dân, tăng thu nhập cho người dân
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, “điều quan trọng nhất, cốt lõi của tăng trưởng là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới thể chế thì thời gian qua chưa có bước đột phá đáng kể trong ngành nông nghiệp”.
Ông Sơn còn cho rằng, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới có thể cũng không thuận lợi. Đặc biệt là thủy sản đánh bắt đang phải đương đầu với "thẻ vàng" của châu Âu, ngay cả thủy sản nuôi trồng là cá tra đang khó khăn với chính sách thuế mới của Mỹ. Các mặt hàng khác cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, ví dụ như ngành chăn nuôi lợn có Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng quốc gia này đang đẩy mạnh sản xuất thịt lợn trong nước với quy mô lớn, giá thành thấp.
Và khả năng tự cung tự cấp nông sản của nhiều thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam ngày càng tăng và áp lực cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu khác cũng đang diễn ra quyết liệt.
Vì thế, những tác động của thị trường xuất khẩu sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông sản của Việt Nam trong thời gian tới. Các hiệp định thương mại đều đang bước vào giai đoạn giảm thuế thấp nhất và chính sách hỗ trợ hàng hóa nội địa, tăng cường khả năng chống đỡ để giảm nhập khẩu của các nước cũng tăng lên theo xu hướng bảo vệ quyền lợi quốc gia. Việc Việt Nam mở rộng được thị trường, tăng khối lượng hàng nông sản xuất khẩu không dễ dàng và sẽ tác động đến sản xuất trong nước.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có đủ sức điều chỉnh về nội lực, khoa học công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, năng lực vận tải thông quan và các chi phí khác. Cho nên, xuất khẩu nông sản đương đầu với khó khăn phát triển thị trường và bảo vệ sản xuất trong nước./.Tăng trưởng ngành nông nghiệp Quý 1 năm 2018 cao nhất 15 năm
Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trong nông nghiệp