Về việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc làm này là phi lý. Cùng với Hiệp hội xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với các doanh nghiệp và các bên liên quan để kháng nghị lại phán xét này. Trong trường hợp bất khả kháng sẽ xem xét đến việc lập hồ sơ để khởi kiện phán quyết này của phía Mỹ.

“So với đợt xem xét hành chính lần thứ 12 trước đó, lần này Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra của Việt Nam gấp 5,6 lần, việc này là phi lý. Bởi theo Hiệp hội xuất khẩu Thủy sản Việt Nam(VASEP), chúng ta không bán phá giá mà do các yếu tố đầu vào như: nhân công, điều kiện sản xuất không tương đương với phía Mỹ, rẻ hơn phía Mỹ nên giá bán ra sẽ thấp hơn” - ông Nguyễn Quang Hùng cho biết.

xuat_khau_thuy_san_fnri.jpg
Thị trường xuất khẩu nông sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

Liên quan đến gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu(EC) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khắc phục 9 khuyến nghị mà Ủy ban Châu Âu đưa ra, Bộ đã cùng với các Bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có Luật Thủy sản đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2017. Việt Nam cũng tổ chức nhiều đoàn công tác để đối thoại với các quốc gia cũng như tăng cường tuần tra, giám sát tàu cá nhằm ngăn chặn ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Việt Nam sẽ xây dựng nghề cá nhân dân theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy suất nguồn gốc thủy sản qua đó sớm giải quyết vấn đề “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

Quý 1 năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 8,7 tỷ USD, với mức tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,05%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Kết  quả này là nỗ lực của toàn ngành trong chỉ đạo sản xuất ngay từ những tháng đầu năm nay, đồng thời là hiệu quả bước đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn - Giải pháp mở rộng thị trường là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong quý 2 ngành nông nghiệp chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản là một trong 7 nhóm giải pháp trọng tâm duy trì mức tăng trưởng trong quý 1, hướng tới mục tiêu xuất khẩu nông sản từ 40 - 40,5 tỉ USD trong năm nay.

“Tăng được kim ngạch xuất khẩu trong năm nay đòi hỏi phải tăng trưởng cả về giá trị và tỷ trọng tuyệt đối, tuy nhiên hiện tại thị trường quốc tế rất nhiều rủi ro, thậm chí có thể xảy ra những tranh chấp thương mại lớn” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói./.