Trong tổng số 11 dự án cao tốc Bắc - Namphía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ GTVT đã tìm được nhà đầu tư, tiến hành ký hợp đồng triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho 3 dự án là Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Nha Trang – Cam Lâm.
Diễn Châu – Bãi Vọt "dậm chân tại chỗ"
Tại dự án Diễn Châu – Bãi Vọt được khởi công từ cuối tháng 5/2021, nhưng hơn 1 năm nay, công tác lựa chọn nhà thầu của Chủ đầu tư vẫn còn chậm; năng lực của một số nhà thầu yếu kém nên việc huy động tài chính, máy móc, thiết bị chậm trễ…đến nay tiến độ toàn dự án đạt 4,96%, chậm 0,85%.
Hiện nay, các nhà thầu đang triển khai thi công một số hạng mục nền đường, cọc khoan nhồi, đúc dầm Super T, đường công vụ vào cửa hầm Thần Vũ, cầu dẫn đê La Giang, cầu vượt ngang QL8...đã hoàn chỉnh thủ tục huy động tín dụng.
Ông Lê Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, 3 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang có những chuyển biến tích cực, gần đạt được các mục tiêu về tiến độ đề ra.
“Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 6 (đại diện chủ đầu tư) chỉ đạo doanh nghiệp dự án khẩn trương yêu cầu nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực, tăng mũi thi công bù lại tiến độ đã chậm”, ông Tiến thông tin.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49km thuộc phạm vi 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Dự án khởi công tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024, tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,82 tỷ đồng. Sau khi ký được hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng hôm 12/2/2022, hiện nay, nhà đầu tư dự án đang chỉ đạo các nhà thầu tăng cường các mũi để tổ chức thi công gấp rút trên toàn tuyến.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án, Nhà đầu tư dự án cam kết chỉ hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch chứ không thể rút ngắn tiến độ 3 tháng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Trương Đức Liên - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng, nhà đầu tư dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, đối với nhà thầu yếu kém nhà thầu kiên quyết có biện pháp mạnh điều chuyển khối lượng hoặc thay thế nhà thầu nếu không đáp ứng được.
“Chúng tôi quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh các mũi thi công để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Liên nói.
Cao tốc Cam Lâm -Vĩnh Hảo cam kết vượt tiến độ 2 tháng
Đối với dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, 1 trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) loại hợp đồng BOT có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Dự án được thi công từ tháng 9/2021, quy mô 4 làn xe trên nền đường rộng 17m; khi hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe rộng hơn 32m.
Dự án đi qua huyện Diên Khánh (8 km), huyện Cam Lâm (30,5 km) và TP Cam Ranh (10,6 km) thuộc tỉnh Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng và dự kiến quý III/2023 sẽ hoàn thành.
Dự án gồm 3 gói thầu XL1 (đoạn Km5+783 đến Km29+800) chủ yếu thi công nền đường; gói thầu XL2 (Km29+800 đến Km54+00) gồm các hạng mục thi công nền đường, cầu, cống thoát nước, hầm chui dân sinh và gói thầu XL3 thi công hầm Dốc Sạn xuyên núi.
Những ngày này, trên công trường cao tốc Nha Trang - Cam Lâmluôn có hơn 1.500 kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động dồn lực, tăng tốc thi công trên công trường của với mục tiêu đảm bảo tiến độ cán đích trước 3 tháng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT.
Theo ông Trần Văn Hợp, giám sát thi công dự án tại hiện trường, vượt qua nhiều khó khăn do dịch COVID-19 trong năm 2021 và điều kiện thời tiết bất lợi, khắc phục mọi khó khăn phát sinh về nguồn vật liệu đất đắp, đến thời điểm này, cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm đã và đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thi công khẩn trương, vượt tiến độ 1 tháng so với mục tiêu đề ra.
“Sau khi vật liệu đất đã đủ, doanh nghiệp huy động hàng trăm máy móc trên công trường, hơn 1500 công nhân, kỹ sư làm việc ngày đêm, tiến độ vượt kế hoạch đề ra”, ông Hợp cho biết.
Hầm Dốc Sạn là hạng mục quan trọng nhất của dự án vừa được thông kỹ thuật nhánh phải, hiện đang vượt tiến độ, góp phần đưa giá trị sản lượng toàn dự án đạt 29% và phấn đấu hoàn thành dự án trước 3 tháng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là dự án PPP cao tốc Bắc-Nam duy nhất đang vượt tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Ngày 16/5 vừa qua, hầm đường bộ Dốc Sạn nằm trên Dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được thông hầm kỹ thuật, vượt kế hoạch hơn 3 tháng.
Ông Nguyễn Đức Khương - Kỹ sư cầu đường thi công dự án Nha Trang- Cam Lâm cho biết: “Bản thân tôi và các kỹ sư, công nhân cầu đường rất nỗ lực, gương mẫu đảm bảo thời gian, chất lượng, quy trình. Tôi đôn đốc anh em và bản thân tôi làm từ 6h đến 21h hàng ngày mới bàn giao ca…”.
Trên công trường cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nhà thầu quyết tâm đưa dự án vượt tiến độ 2 tháng như cam kết với Thủ tướng chính phủ.
Theo ông Hồ Đình Chung - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, hiện nay cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã triển khai 45 mũi thi công tại 16 gói thầu xây lắp chính. Tổng giá trị xây lắp đến thời điểm hiện tại đạt hơn 14% giá trị hợp đồng, vượt so với kế hoạch đã đề ra.
"Dự án đã huy động hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân và hơn 700 máy móc thiết bị đến hiện trường đồng loạt triển khai thi công các gói thầu xây lắp, cầu, đường, hầm...Những ngày này, trên công trường dự án trời nắng như đổ lửa, nhiệt độ thường xuyên ở mức khoảng 35 độ C, nhưng các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài làm việc", ông Chung cho hay.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức PPP thì có 2 dự án là Nha Trang- Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo đảm bảo yêu cầu đề ra. Riêng đối với dự án Diễn Châu – Bãi Vọt còn rất chậm, Bộ GTVT tiếp tục đưa vào diện theo dõi, giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
Ông Lê Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT khẳng định, đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Dự án là đơn vị có thẩm quyền bố trí bộ máy quản lý chặt chẽ hiện trường theo hợp đồng BOT để kiểm điểm thúc đẩy tiến độ trên công trường.
Tại buổi kiểm tra cao tốc Nha Trang - Cam Lâm mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoanh nghênh tinh thần của doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; đồng thời, yêu cầu tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, sớm bàn giao mặt bằng còn lại cho các đơn vị thi công, để đẩy nhanh tiến độ trước thời hạn so với hợp đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng ý về mặt nguyên tắc 4 nội dung kiến nghị của nhà đầu tư: Cho phép nâng cao dải phân cách giữa; đưa công nghệ mới vào thi công bê tông nhựa, thảm một lần 2 lớp thay vì thảm từng lớp như trước kia; có cơ chế nới lỏng các quy định về việc lựa chọn nhà thầu, cho phép đi thuê một phần máy móc thay vì hoàn toàn của nhà thầu; kéo dài thời gian thu phí, nhưng không tăng tổng mức đầu tư…
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì việc đa dạng các hình thức huy động vốn, nhất là nguồn vốn tư nhân sẽ góp phần thúc đẩy hạ tầng giao thông phát triển nhanh, đồng bộ. Hy vọng 3 dự án cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức PPP sẽ tạo tiền đề quan trọng để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tư nhân rót vốn cho các hạ tầng giao thông khác/.