Bộ Tài chính vừa liên tiếng về ý kiến cho rằng, việc tăng thuế BVMT từ 1/5 đã góp phần làm tăng giá bán xăng dầu trong nước. Bộ này cho biết: “Trước khi tính tương tác việc điều chỉnh tăng thuế BVMT thì thuế nhập khẩu 2 mặt hàng này lần lượt là: xăng 35%, dầu điêzen 30%. Tính đến nay, thuế nhập khẩu 2 mặt hàng này đã giảm lần lượt 15% và 20% so với thời điểm trước khi điều chỉnh tăng thuế BVMT”.
Để thấy rõ hơn tương tác của 2 sắc thuế này trong cơ cấu giá cơ sở, Bộ Tài chính cung cấp các mức giá cơ sở tại thời điểm điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 20/5/2015) và thời điểm hiện nay (chốt giá thế giới hết ngày 31/5/2015), trong đó: cố định yếu tố thuế BVMT như quy định hiện hành (3.000 đồng/lít) và chạy các kịch bản về thuế nhập khẩu theo từng phương án điều hành.
Chênh lệch giữa giảm thuế nhập khẩu/tăng thuế BVMT = (mức giá cơ sở trong đó thuế BVMT theo mức mới, thuế nhập khẩu theo mức trước khi điều chỉnh tăng thuế BVMT) – (mức giá cơ sở trong đó thuế BVMT theo mức mới, thuế nhập khẩu theo mức hiện hành tại thời điểm so sánh).
Bộ Tài chính giải thích thêm: Nếu theo quy định về barem thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu trước đây thì với mức giá dầu thô dưới 60 USD/thùng - thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu có thể điều hành ở mức 40% (mức trần của barem thuế quy định). Với 2 thời điểm tính toán (ngày 20.5.2015 và thời điểm hiện nay) thì giá dầu WTI là 59,67 USD/thùng và 58,68 USD/thùng, như vậy nếu thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng ở mức 35% vẫn phù hợp với barem thuế nhập khẩu quy định.
Như vậy, trong các tính toán của Bộ Tài chính các chênh lệch đều dương – tại thời điểm ngày 20/5/2015 và thời điểm hiện nay thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường không làm tăng giá bán do đã tính tương tác giữa việc tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu.
Trường hợp giá xăng dầu thế giới không có biến động lớn, với Thuế bảo vệ môi trường theo mức mới áp dụng từ ngày 01/5/2015 và thuế nhập khẩu theo các phương án điều hành nói trên thì giá xăng dầu trong nước còn có thể giảm, đặc biệt đối với giá dầu điêzen. Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới tăng trở lại nên việc giảm thuế nhập khẩu đã làm giảm áp lực tăng giá đối với các mặt hàng này.
Bộ Tài chính khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu vừa qua thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và biến động tăng giá xăng dầu thế giới (tổng mức tăng 30,8% trong khi giá xăng dầu thế giới tăng 38,3% (tham chiếu giá dầu thô WTI) mà không phải do tăng thuế bảo vệ môi trường). Điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/5/2015 vừa qua không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT trong cơ cấu giá cơ sở trong từng lần điều hành.
Trước đó, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, kể từ sau ngày 01/5/2015 (ngày Thuế BVMT theo mức mới có hiệu lực), Liên Bộ đã điều hành giá xăng dầu 2 lần (ngày 05/5/2015 và ngày 20/5/2015).
Trong đó, tính riêng thuế nhập khẩu mặt hàng xăng và dầu điêzen: Ngày 05/5/2015: trước đó đã giảm thuế nhập khẩu xăng về mức 20% (đã được tính tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế BVMT trước đó – giảm từ 35% xuống 20%); Thuế nhập khẩu dầu điêzen giảm từ 20% xuống 12%; Ngày 20/5/2015: Thuế nhập khẩu xăng giữ ở mức 20%; thuế nhập khẩu dầu điêzen giảm từ 12% xuống còn 10%./.