Một trong các mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm tài nguyên đất đai được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, tiếp tục cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về đất đai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Cụ thể, sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Quốc hội thông qua.
(ảnh: Thanhtravietnam) |
Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử.
Đổi mới cơ chế bồi thường
Theo Đề án, từ nay đến 2020, sẽ hoàn thiện nguyên tắc, phương pháp định giá đất theo vùng giá trị và triển khai xây dựng bản đồ giá đất, giá đất vùng giáp ranh, cơ sở dữ liệu giá đất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế và đổi mới chính sách kinh tế, tài chính về đất đai; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu cho ngân sách nhằm huy động tối đa nguồn lực đất đai vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai từ trên xuống
Đề án cũng đặt ra nhiệm vụ kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Quản lý đất đai theo hướng quản lý thống nhất, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai.
Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai từ Trưng ương đến cơ sở, trong đó ưu tiên cho việc kiện toàn cơ quan quản lý đất đai ở địa phương. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động và tăng cường quản lý đối với các tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai.
Về nhân lực ngành Quản lý đất đai, đề án đặt mục tiêu phát triển đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Đến năm 2020, tỷ lệ cán bộ quản lý đất đai ở Trung ương có trình độ trên đại học đạt 50%, trong đó có 3% - 5% chuyên gia đầu ngành, tỷ lệ cán bộ quản lý đất đai ở địa phương có trình độ đại học trở lên đạt trên 75%.
Bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, Đề án cũng sẽ tăng cường đầu tư, đổi mới trang thiết bị chuyên dùng và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực thực hiện các nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Từ nay đến năm 2020, sẽ có 4 chương trình với 14 dự án được thực hiện để triển khai Đề án này./.