Ngày 5/12, HĐND thành phố Hà Nội tiến hành chất vấn các thành viên UBND thành phố về 4 nhóm vấn đề được các đại biểu và cử tri quan tâm như quản lý đất đai, tình trạng dự án bỏ hoang kéo dài nhiều năm; trật tự xây dựng, đô thị; xây dựng chính quyền.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai và đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh về việc các dự án chậm triển khai, quy hoạch treo gây lãng phí; trách nhiệm của các sở tham mưu; việc xử lý vi phạm.
Ông Vũ Hồng Khanh thừa nhận có các dự án được giao đất nhiều năm nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí là thực trạng bức xúc trên địa bàn. Từ năm 2009 đến nay, thành phố Hà Nội đã có giải pháp khắc phục, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp đưa đất vào sử dụng hiệu quả; thanh tra, xử lý các đơn vị có vi phạm. Tuy nhiên ông Vũ Hồng Khanh cũng khẳng định có lúc, có nơi, có địa phương, việc quản lý Nhà nước về đất đai còn chưa tốt.
Ông Vũ Hồng Khanh nói: “Thời gian tới, UBND thành phố chủ trương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt 6 nhóm giải pháp, trong đó vẫn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính; quan tâm đặc biệt đến vấn đề thực hiện quy hoạch; tập trung rà soát tiến độ thực hiện dự án của các đơn vị được gia hạn. Nếu sau thời gian gia hạn mà thực hiện tốt thì sẽ được tạo điều kiện để đưa đất vào sử dụng, nhưng nếu không khắc phục được thì kiên quyết thu hồi đất”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về việc: “Khi thu hồi đất của dân phục vụ doanh nghiệp triển khai dự án thì làm kiên quyết, quyết liệt; nhưng khi các dự án vi phạm pháp luật thì thu hồi lại khó, phải chăng có vấn đề gì?”. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: “UBND thành phố không có quan điểm: với dân thì làm nặng, doanh nghiệp thì làm nhẹ. Tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai vi phạm đều phải xử lý, nhưng phải xử lý từ thấp đến cao, không thể xử lý cao hơn vi phạm của họ được. Các quận, huyện nào bao che, bảo kê, dung túng cho các doanh nghiệp vi phạm thì thành phố sẽ kiên quyết xử lý”.
Liên quan tới vấn đề quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho biết, các quy hoạch phân khu của Hà Nội đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt trong năm nay. Năm 2012, thành phố Hà Nội có 17 dự án quy hoạch phân khu nằm ở đông vành đai 4, chủ yếu thuộc địa bàn Hà Tây cũ, và phía bắc sông Hồng đã cơ bản hoàn chỉnh xong. Việc phê duyệt 17 dự án này tuy triển khai có chậm nhưng không chậm về khâu thông tin quy hoạch.
Trả lời chất vấn về trách nhiệm của Sở Xây dựng đối với tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng; tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xử lý chậm dù thành phố đã chỉ đạo quyết liệt; Ban quản trị nhà chung cư chậm thành lập, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết chủ trương thành lập Ban quản trị nhà chung cư đang được tổng kết và sẽ được thành lập ở tất cả các chung cư trong 6 tháng tới.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, xử lý lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng là việc khó. Tuy nhiên Sở Xây dựng cũng đã cố gắng. Kết quả xử lý cho thấy, hiện này chỉ còn 66 trường hợp trên 788 trường hợp vi phạm, 243 trường hợp lấn chiếm đất đai. Có 142 cán bộ đã bị kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ.
“Tình trạng lạm thu trong giáo dục; việc dạy thêm, học thêm sai quy định, trách nhiệm của các đơn vị, các nhân làm sai” là nội dung chính các đại biểu chất vấn Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Về nội dung này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện ra rõ ràng trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng. Những hiệu trưởng nào vi phạm quy định trong các văn bản thì đề nghị các quận huyện, xem xét nghiêm túc và xử lý đúng quy định”.
Kết luận phiên chất vấn, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố cơ bản tán thành với các giải pháp mà các thành viên UBND thành phố đã nêu và đề nghị UBND thành phố tiếp tục thực hiện những giải pháp này, xử lý triệt để những vấn đề được chất vấn./.