“Bộ Công Thương đang có chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua những kênh giao dịch điện tử”. Thông tin này tại Hội thảo “Giải pháp xuất khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp” được tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội.

Các đại biểu cho rằng, tận dụng ưu thế của xuất khẩu trực tuyến sẽ tiếp cận thị trường tốt hơn do lợi thế chi phí thấp, ưu thế tiện lợi, đối tượng khách hàng không bị giới hạn về mặt địa lý…  Hoạt động này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập.

Tuy nhiên, theo điều tra của Bộ Công Thương, trong năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu ứng dụng kênh thương mại điện tử vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới, mới chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp có trang Web, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử  thế giới mới chỉ chiếm 11%.

hrt_nyat.jpg
Doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của kênh xúc tiến thương mại xuất khẩu.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Tập đoàn Alibaba - một sàn giao dịch thương mại điện tử tại  Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hiện nay chưa chú trọng phát triển qua thương mại điện tử do chưa đầu tư triệt để cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến vẫn mang tính rất hời hợt, thường nghĩ làm những trang web là để quảng cáo nên không có sự đầu tư bài bản.

“Hoạt động xuất khẩu trực tuyến không khác so với hoạt động xuất khẩu bình thường. Thêm vào đó hiện nay việc giao tiếp online nền tảng ở thị trường Việt Nam hiện nay đang có những điểm yếu trong hoạt động thương mại điện tử đó là nền tảng thanh toán, công tác giao vận”, ông Thủy chỉ rõ.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, doanh nghiệp cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của kênh xúc tiến thương mại xuất khẩu, thông qua những ứng dụng công nghệ điện tử để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, tìm những đối tác mới. Tuy nhiên, để triển khai tốt phương thức này cần sự hỗ trợ và sự hợp tác của nhiều cơ quan, ban ngành về hành lang pháp lý nhằm tạo ra môi trường hoạt động rõ ràng, minh sạch.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần xây dựng lòng tin, uy tín cho khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng công nghệ thông tin, hình ảnh sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử.

Bà Lại Việt Anh, Cục phó Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương có chương trình phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, trong đó có các hoạt động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng những kênh giao dịch điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu.

“Bộ Công Thương đã triển khai dịch vụ công, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu được tiến hành trong môi trường trực tuyến, những dịch vụ cấp những giấy phép xuất khẩu đặc biệt. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có cổng xuất khẩu Việt Nam trong đó có những thông tin cụ thể về những thị trường xuất khẩu cho từng nhóm mặt hàng thế mạnh cũng như là địa chỉ của mạng lưới thương vụ trên hơn 100 quốc gia của thế giới để giúp doanh nghiệp có được thông tin, xác thực được thông tin để kết nối được với đối tác tiềm năng”, bà Lại Việt Anh cho biết./.