Sáng nay (10/11), tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đưa vào khai thác phương thức bay và khai thác RNAV 1, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Đây là phương thức dẫn đường mới đang được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Chuyến bay VN30 của Vietnam Airlines từ Frankfurt - Cộng hòa Liên bang Đức về TP HCM hạ cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất là chuyến bay đầu tiên mà cơ trưởng được kiểm soát không lưu của Công ty quản lý bay miền Nam hướng dẫn hạ cánh theo phương thức bay mới SID/STAR RNAV 1.

img_4243_zcgq.jpg
Phương thức bay mới hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Trần Minh Bảo, Trưởng trung tâm kiểm soát tiếp cận tại sân bay - Công ty Quản lý bay miền Nam cho biết, khi tàu bay vào vùng kiểm soát Tân Sơn Nhất, tùy theo tình hình ở mặt đất, nếu thuận lợi thì kiểm soát viên không lưu cho phép tàu bay bay thẳng để hạ cánh.

Trường hợp quá tải, kiểm soát viên chỉ thông báo một lần với cơ trưởng áp dụng phương thức bay SID/STAR RNAV 1. Khi đó tàu bay sẽ tự động bay theo sơ đồ đã vạch sẵn mà không cần trao đổi qua lại giữa hai bên, hạn chế tình trạng nhiễu thông tin.

Phương thức bay mới này còn hạn chế tối đa các luồng tàu bay đi/đến hội tụ về cùng một điểm và giảm thiểu số điểm giao cắt, giúp kiểm soát viên duy trì độ giãn cách tiêu chuẩn chính xác hơn, an toàn hơn. Đồng thời tối ưu hóa năng lực, khả năng thông qua tại vùng trời và tăng năng lực tổng thể từ 10 - 15% so với phương thức bay cũ.

Với các hãng hàng không, khi được hướng dẫn bay theo phương thức mới sẽ giúp tàu bay không phải bay vòng chờ, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, giảm bớt lượng khí thải ra môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Tàu bay khi được hướng dẫn bay theo phương thức mới này cũng sẽ xác định thời gian hạ cánh chính xác, hạn chế tình trạng trễ chuyến làm ảnh hưởng đến tâm lý hành khách.

Để vận hành hệ thống bay theo phương thức mới, Công ty Quản lý bay miền Nam đã mất gần 3 tháng chuẩn bị, huấn luyện cho cán bộ kiểm soát không lưu sử dụng trang thiết bị một cách thành thục.

Dự kiến, đầu năm 2017 sẽ áp dụng phương thức bay mới này tại sân bay Nội Bài, cuối năm 2017 thực hiện tại Đà Nẵng, sau đó sẽ triển khai rộng rãi tại tất cả các cảng hàng không trong toàn quốc trước năm 2020./.