Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đã cho biết điều này trong một báo cáo mới đây. Theo cơ quan này, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam hiện nay ở mức lớn, có nguyên nhân chủ quan của hệ thống ngân hàng và nguyên nhân khách quan của những khó khăn, yếu kém kinh tế trong nước.
Do ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới và khu vực, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, lạm phát cao, từ cuối năm 2011 nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng bắt đầu lộ diện và có chiều hướng tăng nhanh. Ngay tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xác định nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra vấn đề thanh khoản, làm giảm sút hiệu quả kinh doanh, đe dọa sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều hành của NHNN, làm hạn chế nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ngay trong những tháng đầu năm 2012, trong đó xác định xử lý nợ xấu là một trong các nội dung quan trọng của Đề án này.
“Số liệu nợ xấu không phải là một con số bất biến mà thay đổi theo thời điểm thống kê số liệu, nguồn số liệu và phương pháp xác định”, cơ quan Thanh tra, giám sát khẳng định.
Chính vì vậy, theo cơ quan Thanh tra, giám sát, việc trích dẫn số liệu mà không nói rõ nguồn, phương pháp xác định và thời điểm xác định dễ dẫn đến cho rằng sự thiếu nhất quán về số liệu nợ xấu.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang dựa trên hai nguồn số liệu khác nhau để giám sát tình hình nợ xấu của các TCTD, bao gồm số liệu nợ xấu do các TCTD báo cáo và số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Thông thường, số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cao hơn và đáng tin cậy hơn so với số liệu nợ xấu do các TCTD báo cáo do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có nhiều nguồn thông tin khác nhau để đánh giá chất lượng nợ xấu của TCTD (thông tin chung về toàn hệ thống, thông tin CIC về khách hàng vay, thông tin từ hoạt động thanh tra tại chỗ…).
VAMC giúp TCTD có thời gian trích lập dự phòng
Để giúp tổ chức tín dụng có thời gian (5 năm) phân bổ dần chi phí trích lập dự phòng rủi ro, tránh ghi nhận toàn bộ tổn thất về nợ xấu ngay lập tức, NHNN đã chính thức thành lập Công ty quản lý mua bán nợ xấu (VAMC).
Trong điều kiện ngân sách nhà nước không có điều kiện hỗ trợ tài chính cho xử lý nợ xấu của các TCTD, chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là TCTD, khách hàng vay phải gánh chịu chi phí xử lý nợ xấu; Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để TCTD xử lý nợ xấu. Sau 5 năm, ngay cả khi khoản nợ xấu không thể xử lý được thì TCTD cũng đã trích lập đủ dự phòng để xử lý khoản nợ đó. Đồng thời, 5 năm tới nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh và điều kiện thị trường sẽ cải thiện nhiều hơn trong một chu kỳ kinh tế mới thì TCTD có thêm cơ hội để xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, theo phân tích của cơ quan Thanh tra, giám sát, do phần lớn nợ xấu của các TCTD hiện nay là nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản, việc xử lý, bán tài sản đảm bảo trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay là rất khó khăn, giá trị thu hồi nợ xấu rất thấp. Bản thân các TCTD tự xử lý tài sản bảo đảm cũng bị chậm trễ do khách hàng vay không hợp tác, vướng các thủ tục pháp lý, thủ tục khởi kiện và xét xử của tòa án, tiến trình thi hành án xử lý tài sản bảo đảm.... Tuy nhiên, với các cơ chế hoạt động, một số quyền hạn đặc thù, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, VAMC sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thu hồi vốn cho các TCTD.
VAMC không chỉ xử lý nợ cho ngân hàng mà còn hỗ trợ, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, khách hàng vay vốn. Một nhóm các biện pháp xử lý nợ của VAMC được thiết kế để hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp như: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán; đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời... Các khách hàng có nợ xấu bán cho VAMC sẽ được tiếp tục vay vốn của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.
Cơ quan này cũng cho rằng, nợ xấu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những yếu kém trong quản trị, điều hành và năng lực tài chính của doanh nghiệp (khách hàng của TCTD), từ những khó khăn của nền kinh tế, từ những yếu kém trong quản trị, điều hành của các ngân hàng.
Vì vậy, để xử lý nợ xấu triệt để và căn bản, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Bộ Chính trị, Chính phủ duyệt chủ trương và trình Thủ tướng ban hành Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 về Phê duyệt đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD” và đề án “Thành lập công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”, trong đó đã nêu rõ các nhóm giải pháp đồng bộ để thực thiện xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD và thành lập VAMC chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, công tác thanh tra, giám sát cũng được tăng cường. NHNN đã chỉ đạo, triển khai các thủ tục sáp nhập, hợp nhất, mua lại một số TCTD. Cho đến nay, tất cả các phương án tái cơ cấu NHTM cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Đến nay, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định, bảo đảm chi trả tiền gửi của nhân dân và có chiều hướng được cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu.
Trên kết quả thanh tra, giám sát thường xuyên, NHNN tiếp tục tiến hành đánh giá, phân loại các TCTD và chỉ đạo từng TCTD phải xây dựng phương án tái cơ cấu cự thể để củng cố, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh./.