Hôm nay (10/5), sau khi NHNN thông báo giảm hàng loạt lãi suất điều hành, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại đã xuống dưới 7%/năm. Một số ý kiến cho rằng, có thể dỡ bỏ trần lãi suất huy động để ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn, đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết: trên thị trường thời gian qua, thanh khoản trên toàn hệ thống đã có nhiều cải thiện, một số ngân hàng đã tự điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần. “Tuy nhiên, trên thị trường cũng có những tổ chức tín dụng thanh khoản chưa tốt, nếu bỏ trần lúc này thì các tổ chức đó khi gặp khó khăn sẽ tăng lãi suất huy động lên, kéo theo lãi suất cho vay tăng thì chủ trương giảm lãi suất sẽ không thực hiện được. Thị trường đã được ổn định nên nếu bỏ trần thì sẽ gây xáo trộn, có thể làm chậm lại quá trình thực hiện các giải pháp kinh doanh của Chính phủ" - bà Hồng nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động ngắn hạn là cần thiết với những hoạt động của các ngân hàng thương mại nhỏ. Mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây khá tốt nhưng không có nghĩa tất cả các ngân hàng đều đủ vốn để hoạt động khi tình trạng lấy ngắn nuôi dài vẫn còn tồn tại.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, việc áp trần lãi suất huy động trước mắt vẫn có những tác dụng phù hợp.

Theo nhận định của ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank,  hiện nay lãi suất đã giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Không lo ngại chuyện hạ lãi suất người dân sẽ rút tiền ồ ạt, ông Dũng cho rằng: Các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng… hiện rất bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro cao. “Do vậy chúng tôi tin tưởng rằng dù giảm lãi suất huy động nhưng với vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, Vietcombank sẽ vẫn là kênh đầu tư an toàn” – ông Dũng nhấn mạnh.

Đón đầu cho đợt hạ lãi suất này, từ 13/5 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) áp dụng lãi suất cho vay ưu tiên tối đa là 10% (những doanh nghiệp tốt có thể được hưởng mức lãi suất 6 đến 8%); đối với  gói trung dài hạn tối đa là 11,5%; những lĩnh vực không ưu tiên tối đa là 12,5%.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, mức lãi suất từ 13-15% của Agribank còn lại khoảng 48% trên tổng dư nợ. Nếu các doanh nghiệp có giải pháp trả nợ tốt thì sẽ xem xét giảm tiếp lãi suất.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, trong đợt kêu gọi giảm lãi suất cho vay lần này, nhìn chung các tổ chức tín dụng nhà nước chiếm thị phần lớn trên thị trường đều đồng thuận đưa lãi suất vay cũ về mức 13%. “Lợi nhuận có thể giảm nhưng đây là sự chia sẻ cần thiết đối với người vay vốn và với nền kinh tế” – Phó thống đốc nhận xét.

Cũng theo ông Tiến, "Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, xem xét các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai để có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua các đợt giảm lãi suất thì ngân hàng cũng sẽ nâng cao hiệu quả điều hành, tiết giảm chi phí"./.