Theo Bộ Xây dựng, ngoài hệ thống tín dụng thương mại như hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm các định chế tài chính mới, vừa đa dạng hóa các kênh huy động vốn, vừa để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho phát triển nhà ở như Quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín thác BĐS…

Khi tham gia vào mô hình tiết kiệm này, người tham gia sẽ ký kết một Hợp đồng tiết kiệm nhà ở dựa trên tổng số tiền cần để đầu tư cho nhà ở. Sau đó, đều đặn hằng tháng thực hiện nghĩa vụ tiết kiệm thông qua một tài khoản tiết kiệm. Qua giai đoạn này, họ đã tích lũy được một khoản vốn tự có nhất định.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ tiết kiệm theo Hợp đồng và được thẩm định độ tín nhiệm và khả năng thanh toán của khoản vay tín dụng, người tham gia tiết kiệm nhà ở sẽ được ngân hàng tất toán toàn bộ số tiền tiết kiệm và được cấp một khoản vay tín dụng tiết kiệm nhà ở.

 Lãi suất cho khoản tín dụng này cố định trong toàn bộ thời gian vay, không phụ thuộc vào biến động trên thị trường vốn. Mức lãi suất này thông thường thấp hơn lãi suất trên thị trường đối với các khoản tín dụng tương đương.

Với cơ chế hoạt động này, cá nhân người mua hoặc sửa nhà sẽ tránh được các rủi ro lãi suất. Cụ thể, vào thời điểm tất toán khoản tiền tiết kiệm nhà ở, người tham gia mua hoặc sửa nhà được nhận lại tiền tiết kiệm cộng lãi suất đồng thời được giải ngân khoản vay.

Sau khi được giải ngân khoản vay tín dụng tiết kiệm nhà ở, hằng tháng, người tham gia tiết kiệm nhà ở sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi suất theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Người đi vay tiết kiệm nhà ở có thể tính toán chính xác và lên kế hoạch chi trả cho cả khoản nợ gốc thanh toán hàng tháng và chi phí cho khoản vay này dựa trên tính bất biến của lãi suất./.