Ngày 24/3/1975, tỉnh Quảng Nam hoàn toàn giải phóng. Truyền thống hào khí Quảng Nam, mảnh đất “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” trong chiến tranh tiếp tục khơi dậy trong tái thiết, xây dựng quê hương. Từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, phải nhận trợ cấp ngân sách Trung ương, Quảng Nam đã bứt phá vươn lên nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung, tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Điểm sáng của sự trỗi dậy mạnh mẽ vùng đất anh hùng này là vùng Đông Quảng Nam.

Ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam từng là vùng đất ác liệt, chịu nhiều tổn tất trong các cuộc kháng chiến. Bây giờ, Bình Dương trở thành vùng đất hấp dẫn nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước đến làm ăn. Hơn một nửa diện tích của xã được qui hoạch, sắp xếp lại dân cư để nhường đất cho các dự án. Khu du lịch Vinpearl Nam Hội An hình thành và một loạt khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao đẳng cấp quốc tế mọc lên trên vành đai trắng năm xưa, minh chứng sự trỗi dậy mạnh mẽ của vùng Đông Quảng Nam.

Ở tuổi 70, từng tham gia hoạt động cách mạng khi còn thanh niên, ông Võ Ngọc Châu ở xã Bình Dương vui mừng trước sự đổi thay trên quê mình. “Hiện nay, bộ mặt xã Bình Dương chúng tôi đang phát triển, trong đó có nhiều công trình, ví dụ như Vinpearl Nam Hội An hay Casino Nam Hội An. Tôi thấy cũng đem lại nhiều kết quả khả quan cho xã này. Vấn đề lưu thông, đi lại, buôn bán của xã này rất phát triển. Tôi thấy rất tự hào cho sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước,” ông Châu nói.

Dọc ven biển Quảng Nam, trên vùng đất cát trắng hoang hóa ngày nào, giờ là những khu đô thị sầm uất, khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới. Nơi đây, trở thành vùng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của xứ Quảng. Hiện nay, vùng đất này đã thu hút hơn 160 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 tỷ USD, tạo động lực phát triển cho tỉnh. 

Ông Phan Công Vỹ, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, dọc các xã vùng biển bãi ngang của địa phương, quanh năm gió rát mặt, đất đai hoang hóa bạc màu. Một thời gian dài sau chiến tranh, bà con chủ yếu làm nông nên cuộc sống bao đời vẫn nghèo khó. Từ khi tuyến đường ven biển mở ra, hàng loạt dự án vào đầu tư mở ra cơ hội phát triển cho quê hương. Ông Phan Công Vỹ khẳng định, từ một huyện gần như thuần nông, bây giờ, tỷ lệ thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp ngày tăng cao.

"Khẳng định rằng, chủ tương triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn vùng đông Quảng Nam, trong đó có vùng Đông huyện Thăng Bình là chủ trương hết sức đúng đắn. Trên địa bàn vùng Đông của huyện Thăng Bình, tình hình kinh tế xã hội thay đổi rất rõ nét. Nhiệm kỳ qua, thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với 5 năm trước", ông Vỹ chia sẻ.

Từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang quy hoạch khớp nối vùng Đông gồm 9 huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là cực tăng trưởng của tỉnh, hướng tới xây dựng một vùng đất rộng lớn trở thành nơi phát triển bậc nhất miền Trung. Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ xác lập một số hành lang xanh bền vững: ven sông Thu Bồn gắn với đô thị cổ Hội An và tháp Mỹ Sơn; Vùng ven sông Trường Giang, Cổ Cò; Tổ chức lại và thúc đẩy triển khai, đưa vào hoạt động hiệu quả các nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cùng với dự án khơi thông sông Cổ Cò đang triển khai, tỉnh đang xúc tiến Dự án nạo vét và quy hoạch phát triển sông Trường Giang. Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.000 tỷ đồng, vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo ông Lê Trí Thanh, việc khớp nối qui hoạch và triển khai đồng bộ các dự án sẽ cơ hội phát triển vùng phía Đông thành vùng động lực của tỉnh Quảng Nam.

"Trước hết, phải qui hoạch toàn bộ vùng phía Đông của tỉnh, dựa trên các điểm nhấn là các trục giao thông đường bộ và giao thông thủy, trong đó trọng điểm là hệ thống sông. Sông Trường Giang gần như còn hoang sơ, nguyên vẹn và đó là động lực để thúc đẩy sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của vùng Đông tỉnh Quảng Nam, nhất là trong lĩnh vực về du lịch, đô thị, sinh kế, ứng phó với thiên tai", ông Thanh nhấn mạnh./.