Phát biểu tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Giám đốc Cơ quan Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, sau giai đoạn lấy ý kiến phản biện, góp ý đầu tiên, đã có nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.

Luật sư Hậu dẫn kết quả rà soát Luật đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 112 luật, bộ luật (có quan hệ với Luật đất đai) đã thấy có 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với luật hiện hành nhưng cũng chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Ngoài ra, khoản 1 điều 61 của dự thảo luật về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất có quy định HĐND cấp tỉnh thông qua. Theo luật sư Hậu, như vậy là bất cập, chỉ nên giao HĐND thông qua những dự án diện tích lớn từ 5 hecta trở lên.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nên xem xét chuyển quy định bắt buộc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản tại điều 211 của dự thảo sang “khuyến khích thực hiện” bởi vì nếu bắt buộc sẽ tạo ra những “đặc quyền”, “đặc lợi” cho các sàn giao dịch và thiếu công bằng với các chủ đầu tư dự án bất động sản hiện nay.

Nêu quan điểm về trả tiền thuê đất, ông Lê Nết - Giám đốc Công ty Luật LNT & Thành viên cho rằng, mặc dù Luật đất đai đã cho phép người dân, doanh nghiệp khi thuê đất của Nhà nước được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, nếu trả tiền hàng năm thì sẽ chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, người sử dụng đất sẽ trả tiền một lần (có thể lên tới 50 năm) cũng giống như việc "bán lúa non".

“Việc khuyến khích trả tiền một lần mà không khuyến khích trả tiền hàng năm dẫn đến tư duy nhiệm kỳ. Như vậy dẫn đến sự không ổn định. Cho nên quyền sử dụng đất đối với trả tiền hàng năm hay một lần, theo tôi, nên như nhau”, ông Nết nêu ý kiến./.