Tính đến nay, Bình Thuận có 1.896/1.941 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỉ lệ trên 98%. Số còn lại do khó khăn về tài chính, hoạt động cầm chừng, thua lỗ nên chưa có kinh phí để lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Các trường hợp này đã được các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương lập danh sách, đánh giá tình trạng hoạt động và đưa vào quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu xuất bến đi khai thác.  

Trong thời gian tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và địa phương vận động và ưu tiên hỗ trợ đối với các trường hợp chủ tàu cá khó khăn về tài chính sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Nghị quyết số 02 (25/5/2022) của HĐND tỉnh Bình Thuận, hoàn thành việc lắp đặt trong quý III/2022.  

Sở này cũng cho biết, tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS trên hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh diễn ra khá phổ biến nhưng chưa xác định rõ do lỗi kỹ thuật hay ngư dân cố tình ngắt kết nối.  

Riêng đối với 141 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng theo danh sách thông báo của Tổng cục Thủy sản tại công văn số 1202 ngày 25/7/2022, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị VMS để xác định nguyên nhân. Xác minh ban đầu cho thấy tàu cá mất kết nối chủ yếu do chủ tàu không đóng phí dịch vụ (138 tàu), không mở máy (2 tàu), khóa phí dịch vụ (1 tàu), thiết bị lỗi đang bảo hành (2 tàu).

Theo báo cáo của một số nhà mạng, khi hết cước phí thuê bao hàng tháng, các nhà mạng đã thông báo cho các chủ tàu biết. Tuy nhiên, thời gian qua giá nhiên liệu tăng cao, hoạt động khai thác không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ nên phần lớn thời gian tàu cá đậu bờ nên các chủ tàu cá không đóng phí cước thuê bao./.