Sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra trưa 20/11 khiến nhiều chuyến bay đi và đến bị ngưng trệ. Lần đầu tiên, trong lịch sử hàng không Việt Nam xảy ra sự cố nghiêm trọng này. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ngay lập tức đã có những chỉ đạo xử lý các cán bộ, nhân viên liên quan vụ việc.

Bên lề kỳ họp Quốc hội nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với cách xử lý của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, đoàn Hà Nội, cho rằng, việc để mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất là rất đáng tiếc. Đáng tiếc ở đây không chỉ trong nội bộ của Việt Nam mà còn cả uy tín đối với nước ngoài. Cho nên phải làm nghiêm ngặt.

“Việc Bộ trưởng GTVT lập tức công bố thành lập một nhóm điều tra là rất kịp thời. Theo quan sát của tôi, Bộ GTVT tương đối minh bạch, không có vùng cấm, rất là tốt. Không phải riêng Bộ GTVT mà cả Đảng, Quốc hội cũng đều không có vùng cấm. Ai vi phạm luật người đó phải chịu trách nhiệm. Đây là hướng rất tốt, rất tiến bộ đúng tinh thần của Hiến pháp là bình đẳng với tất cả mọi người” – bà Bùi Thị An nói.

Bà Bùi Thị An cũng bày tỏ hy vọng, các Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội thì tất cả lời hứa thành hiện thực. Nếu chúng ta cùng chia sẻ với tinh thần trách nhiệm cao thì Bộ trưởng sẽ tìm được giải pháp thực hiện lời hứa tốt.

Có thông tin cho rằng, việc xử lý các cán bộ, nhân viên liên quan đến sự cố mất điện là khó vì đa phần trong số đó là “con em” trong ngành. Theo bà Bùi Thị An, việc ưu tiên, có chính sách cho con em cán bộ là rất cần nhưng cũng cần có giới hạn. “Trước hết con các đồng chí đang công tác ở biên giới hải đảo là cần thiết. Hay như trường hợp vợ của một chiến sĩ công an không may bị tai nạn giao thông đã được Bộ trưởng ưu tiên là cần thiết. Hay như con em trong ngành được ưu tiên cũng là hợp lý nhưng phải đảm bảo điều kiện, đủ năng lực. Nếu có kém nhau cũng chỉ một chút thôi chứ không thể có chuyện bỏ qua cho các tiêu chí năng lực mà chỉ lấy tiêu chí con em trong ngành”.

Do vậy, bà Bùi Thị Anh hy vọng cách làm của Bộ GTVT trong công tác cán bộ từ chuyện thi tuyển các lãnh đạo Cục, Vụ và bây giờ là xử lý cán bộ là một điểm sáng. “Tôi hy vọng nếu mô hình làm tốt thì nên nhân rộng ở các lĩnh vực khác. Tôi nghĩ sự minh bạch trong công tác cán bộ là tiền đề cho tất cả những kết quả tốt sau này cho các việc khác” – bà Bùi Thị An nói.

Cùng chia sẻ về cách xử lý công việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn TPHCM cho rằng: “Cách xử lý của bộ trưởng là cần thiết với tư cách là người cao nhất chịu trách nhiệm. Trong Luật Hàng không sửa đổi qui định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý về hàng không nhưng trách nhiệm cao nhất vẫn là Bộ trưởng. Do vậy, cách xử lý của Bộ trưởng Thăng trước hết là thể hiện trách nhiệm quản lý của mình”.

Còn nguyên nhân tại sao, lý do gì mà xảy ra sự cố này, theo Đại biểu Trần Du Lịch, cần phải điều tra nhưng động tác đầu tiên là kịp thời về mặt quản lý nhà nước. Nội vụ thì phải điều tra, sự vụ xảy ra ở ngành đó thì người đứng đầu ngành đã có động thái đầu tiên để xử lý. Điều chúng tôi quan tâm là phải làm công tâm, rõ trách nhiệm để không xảy ra sự việc đáng tiếc tiếp theo.

Cùng chung cảm nhận về sự cố nghiêm trọng này, Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cho rằng, sự cố này rất nguy hiểm cho nên phải làm rõ trách nhiệm. Vì vậy với cương vị quản lý ngành thì Bộ trưởng xử lý kịp thời quyết liệt cũng là hợp lẽ. Đảm bảo an toàn tính mạng con người là kịp thời. Còn vấn đề cán bộ đó là ai thì chưa đặt vấn đề vội.

“Bất kỳ ai ở trong lĩnh vực mình được phân công với chức trách nhiệm vụ được giao thì người đứng đầu phải có xử lý, hoàn thành nhiệm vụ và đạo đức công vụ” – ông Trương Văn Vở nói.

Cũng theo ông Trương Văn Vở, đây là sự cố đáng tiếc nên việc xử lý kịp thời là cần thiết để sau này không xảy ra những việc tương tự. “Đó là uy tín trong ngành và nhất là trong điều kiện cạnh tranh hiện nay nên phải xử lý nghiêm những người liên quan” – ông Trương Văn Vở nhấn mạnh./.