Chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền cùng cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã và đang chung tay góp sức để tổ chức sự kiện thành công.
Những ngày này, HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc ở huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Toàn bộ diện tích xoài đã được các xã viên cẩn thận bao trái từng quả để phòng chống nám hoặc thối rụng do bị ruồi vàng chích. Việc chăm sóc cũng tỷ mẩn từng khâu để đảm bảo sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có gần 15 ha xoài theo tiêu chuẩn VietGap và cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; ngoài ra HTX còn liên kết với 30 hộ dân trồng xoài với diện tích 25 héc ta. Xã viên và bà con nông dân ai cũng vui khi sản phẩm xoài của HTX được lựa chọn tham gia trưng bày tại chuỗi sự kiện đặc biệt này.
"Chúng tôi cũng rất vinh dự vì tới đây sản phẩm của HTX được chọn tham gia Festival trái cây tại Sơn La. Thông qua chương trình đó chúng tôi cũng rất là mong muốn nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của chúng tôi đã đạt chất lượng cao. Tới đây chúng tôi mong muốn ký kết thêm với các đối tác để mở rộng thị trường hơn nữa" - ông Sơn chia sẻ.
Đến với Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đăng ký 24 sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện như: Thanh long ruột đỏ, quả sơn tra, chanh leo, trà Ô Long, chè Trọng Nguyên, thịt hun khói và các sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái địa phương.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, tham gia chuỗi sự kiện, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn sẽ có dịp tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn từ các hộ nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh thêm: "Huyện Thuận Châu thấy rằng, qua chương trình này sẽ mở ra thêm hướng mới cho các doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân thấy được các sản phẩm đa dạng của toàn quốc. Qua đây tăng thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch và bền vững".
Sơn La là một trong những vùng sản xuất nông sản trọng điểm của miền Bắc. Toàn tỉnh hiện có trên 84.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt gần 450.000 tấn/năm; có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; được cấp 220 mã số vùng trồng, diện tích trên 4.800 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La đã lựa chọn được hơn 220 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố tham gia trưng bày tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022. Trong đó, có hơn 70 sản phẩm OCOP, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến; các loại đồ uống; các sản phẩm có thành phẩm từ cây dược liệu, làm từ bông, sợi, gỗ, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La là cơ hội lớn cho Sơn La quảng bá, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế, nông nghiệp, du lịch, con người Sơn La. Hiện tỉnh Sơn La đang tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đảm bảo chuỗi sự kiễn diễn ra thành công tốt đẹp.
"Đến giờ phút này, công tác chuẩn bị cho chuỗi sự kiện đã được lãnh đạo, chỉ đạo hết sức bài bản, chi tiết. Từ tổ chức chuỗi sự kiện này, chúng ta khẳng định những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La qua quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để hướng tới kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Vấn đề nữa là tiếp tục thu hút các đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và thu hút đầu tư trong nền kinh tế của tỉnh Sơn La" - ông Nguyễn Thành Công nêu rõ.
Tỉnh Sơn La đã sẵn sàng cho Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, với sự chuẩn bị chu đáo và niềm tin có thêm nhiều cơ hội hợp tác tiêu thụ, đưa nông sản Sơn La ngày càng vươn xa./.