Sơn La là địa phương có tiềm năng để phát triển nhiều loại cây ăn quả, trong đó có cây mắc ca. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 670 ha trồng mắc ca, tập trung ở các huyện Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Mai Sơn, Sông Mã, Vân Hồ...
Qua nhiều năm trồng, khảo nghiệm, cây mắc ca được đánh giá là khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt; một số diện tích đã cho sản phẩm, sản lượng trung bình đạt từ 5 -7 tấn quả tươi/ha/năm, giá bán trung bình từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Bước đầu cho thu nhập ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm cho người sản xuất.
Từ những ưu việt của mắc ca so với một số loại cây trồng khác, trong những năm tới, tỉnh Sơn La có kế hoạch mở rộng đầu tư phát triển hình thành vùng chuyên canh cây mắc ca gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng đạt khoảng 10.000 ha. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh có một nhà máy chế biến hạt mắc ca với quy mô, công suất đáp ứng nhu cầu chế biến mắc ca của tỉnh...
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La đã thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển cây mắc ca; chủ trương đầu tư là Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là tổ chức liên kết thành lập các HTX hợp tác với nhà đầu tư hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm mắc ca cho người dân...
“Năm 2021, Sơn La đã trồng 666 ha cây mắc ca; năm 2022 này sẽ phát triển khoảng 3.000 ha cây này tại Sốp Cộp, Quỳnh Nhai và một số huyện khác. Qua khảo nghiệm, đánh giá cho thấy, đây là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện của Sơn La vì cho thu nhập ổn định, có nhà máy chế biến và tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, mắc ca là cây lâu năm, khi trồng những đồi mắc ca bát ngát thì sẽ nâng độ che phủ rừng lên, tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân”, ông Công nêu rõ./.