Thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum tại hội thảo cho thấy, cây Mắc ca được trồng tại địa phương từ năm 2012. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 350 hecta. Trong đó, diện tích trồng thuần là 250 hecta và trồng xen 100 hecta. Việc trồng cây Mắc ca ở Kon Tum chủ yếu do tự phát của người dân.
Tại vùng Tây Trường Sơn, cây sinh trưởng, phát triển kém, những cây cho quả bói năng suất chỉ từ 3 đến 5kg quả khô/cây. Ngược lại, những vườn Mắc ca tại các huyện như: Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật cây sinh trưởng, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh và một số diện tích đang cho sản phẩm, ước năng suất từ 20 đến 30 kg quả khô/cây.
Ý kiến của đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo cho thấy, cây Mắc ca có giá trị kinh tế cao và tỉnh Kon Tum rất có tiềm năng để phát triển mở rộng diện tích loại cây này. Giải pháp trước mắt là địa phương cần có quy hoạch cụ thể, lựa chọn bộ giống thích hợp, xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm hạt Mắc ca.
Theo GS. Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, sau 20 năm được trồng ở Việt Nam, thực tế đã khẳng định giá trị của cây Mắc ca. Riêng đối với việc phát triển cây Mắc ca ở tỉnh Kon Tum hiện đang đứng trước cả cơ hội và thách thức.
“Cơ hội thì có rất nhiều nhưng cũng nhiều thách thức. Chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn trên cơ sở khoa học, có quy hoạch và chính sách; có biện pháp phát triển một cách bền vững. Nếu chỉ chụp giật vài ba năm rồi bỏ thì không phải. Chúng ta cần phải học tập kinh nghiệm của những người đi trước. Chúng ta không nóng vội nhưng cũng không nên bỏ lỡ cơ hội. Tỉnh Kon Tum đặt quy hoạch 1.000 heca. Theo tôi nếu các đồng chí nghiên cứu kỹ, Kon Tum có thể có hàng vạn hecta chứ không phải là 1.000 hecta”, GS. Hoàng Hòe nêu ý kiến./.