Trước tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng, tỉnh Sơn La đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh xăng dầu, đảm bảo nguồn cung thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của nhân dân.

Do lượng cung khan hiếm, nhiều cửa hàng xăng dầu tư nhân đã hết hàng hoặc còn với sản lượng rất ít nên áp lực đè nặng lên các cửa hàng của Petrolimex. Lượng khách dồn về gấp đôi so với ngày thường, không chỉ gia tăng áp lực phục vụ tại các điểm kinh doanh xăng dầu mà còn gây ra nhiều khó khăn, phiền toái cho cánh lái xe, doanh nghiệp.

Theo ghi nhận, tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex huyện Yên Châu, Mộc Châu, Sốp Cộp, Thuận Châu, thành phố Sơn La… mặc dù phải xếp hàng dài chờ tới lượt mua xăng dầu, nhưng hầu hết lái xe vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Tình trạng này đã diễn ra trong suốt mấy ngày gần đây.

Anh Cà Văn Quân ở Bản Nà Kẹ, xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, chia sẻ: “Tôi đi cũng gặp nhiều khó khăn, mỗi cây người ta chỉ cho đổ từ 200.000 - 500.000 đồng để đi đường thôi, cây nào cũng thế này thì gây khó khăn cho nghề vận tải nhiều, phải mất 30 phút đến 1h mới mua được 200.000 - 300.000 đồng, nhiều lúc cũng bị nhỡ hàng, không đảm bảo cho mình đi bốc hàng”.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu tại tỉnh Sơn La đã xảy ra từ cuối tháng 10 và ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những ngày gần đây, nhất là tại các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, phần lớn các cửa hàng xăng dầu (ngoài hệ thống của Petrolimex) hầu như đã tạm dừng hoạt động do không có nguồn cung. Riêng ngày hôm qua (9/11), có 60/169 cửa hàng hết xăng dầu và phải tạm dừng hoạt động, ngoài ra có những cửa hàng đã hết dầu, chỉ còn bán xăng.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu tại tỉnh Sơn La chủ yếu là do tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu từ các đơn vị đầu mối; mức chiết khấu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ rất thấp, có thời điểm về mức 0đ/lít, chưa kể chi phí vận chuyển dẫn đến các thương nhân bán lẻ phải bù lỗ trong thời gian dài…

Ông Hoàng Văn Đậu, Giám đốc Công ty TNHH Đậu Thắm, Sơn La cho biết: “Chúng tôi trả tiền trước cũng không lấy được hàng, lái xe nằm ở kho hết cả tiền ăn rồi, cứ nghĩ là đi hôm trước hôm sau về, chỉ mang đủ tiền ăn nhưng nằm ở đó 5 ngày rồi không lấy được hàng, lái xe hết cả tiền ăn, đơn vị rất là cố gắng tìm nguồn, tạo nguồn để đảm bảo nhưng đến 1 tuần nay không có cách nào nữa, trả tiền trước cũng không lấy được hàng. Trước tình hình khó khăn như thế, Công ty cũng mong tỉnh và các sở, ban, ngành tạo điều kiện giúp đỡ công ty hoàn thành nhiệm vụ”.

Trước diễn biến của thị trường xăng dầu, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh xăng dầu đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh Sơn La, triển khai nhiều phương án, tăng thời gian bán hàng, phân luồng đảm bảo giao thông tại cây xăng; xử lý nghiêm các hành vi cố ý đầu cơ, găm hàng trước tình hình phức tạp để trục lợi…đảm bảo nguồn cung thiết yếu, phục vụ nhu doanh nghiệp và người dân.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết: “Ngay từ đầu năm, khi tình hình xăng dầu khan hiếm, Sở Công thương đã chỉ đạo cho phòng chuyên môn thường xuyên nắm bắt thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu để kịp thời có những giải pháp khi mà nguồn xăng dầu khan hiếm.Trong tình hình khó khăn hiện nay, Sở Công thương đã đề nghị Chi nhánh xăng dầu Sơn La điều tiết cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng xăng dầu thuộc chi nhánh và tăng thời gian bán hàng tại tại các cửa hàng để phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp”.

Hiện nay, nhiều xe xăng dầu của Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình đã lên đến các cửa hàng xăng dầu của Sơn La để đáp ứng nhu cầu di chuyển, đi lại, sản xuất của doanh nghiệp, người dân./.