Cụ thể, sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post) sau khi tiêu thụ thành công gần 4.000 tấn vải thiều Bắc Giang hiện đang lên kế hoạch đưa thông tin của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên Postmart.vn đến hết năm nay. Hàng chục ngàn nhân viên đang tỏa xuống các địa phương để tập huấn cho các hộ nông dân thực hiện các kỹ năng livestream, họp nhóm, gửi hình ảnh hoặc video... cùng nông dân đóng gói, bảo quản, vận chuyển sản phẩm... Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (thuộc Viettel Post) cũng đã tổ chức đào tạo online cho các hộ sản xuất nông nghiệp về cách tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên sàn.

Trước thực tế này, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất đã nhanh chóng thích nghi, tìm đến phương thức giao dịch qua các kênh online, thương mại điện tử. Nhiều năm kinh doanh sản phẩm trà, bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MD Queens cho biết, hiện doanh nghiệp đang đẩy mạnh chào bán sản phẩm của mình qua các sàn thương mại điện tử như: chonhaminh.gov.vn, sàn thương mại điện tử quốc tế eBay.com… nhằm vượt qua khó khăn trong giai đoạn giãn cách hiện nay.

“Để đạt được hiệu quả trong việc bán hàng online, chúng tôi cũng thực hiện đào tạo chuyên sâu, hiểu sâu về sản phẩm, công dụng của sản phẩm. Với sự thay đổi kịp thời này, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của thời kỳ dịch bệnh và đưa doanh nghiệp phát triển sang một hướng mới, đó là kinh doanh online”, bà Trịnh Kim Thư chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất hiện nay với hầu hết các hộ sản xuất muốn thúc đẩy tiêu thụ online là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy, rào cản về công nghệ, thiết bị đang là khâu yếu cần được khắc phục. Do đó, cần có sự vào cuộc hỗ trợ của địa phương và các sàn giao dịch, đặc biệt trong các khâu: marketing, bao bì, bảo quản, đóng gói…

Bà Nguyễn Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada cho biết, để đồng hành cùng bà con nông dân và doanh nghiệp lên sàn, Lazada đã triển khai hỗ trợ như miễn phí vận chuyển, giảm giá sản phẩm, hướng dẫn giúp bà con nông dân tiếp cận được khách hàng một cách dễ dàng hơn.

“Lazada đã hợp tác với các cơ quan của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại Điện tử, giúp đưa hàng hóa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh như: Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên… để  bán được nông sản trên sàn, cũng như  giúp họ tiếp cận được với khách hàng một cách thuận tiện hơn. Chúng tôi cũng có những hỗ trợ đồng hành công cụ như Livestream để giúp cho tương tác giữa người bán hàng và người mua được gần gũi thực tế và hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Minh Tú cho hay.

Trong năm nay, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đặt mục tiêu tạo hơn 2 triệu gian hàng nông sản trên sàn. Tiếp đó, sàn Shopee hiện cũng đang thực hiện hương trình “Thực phẩm bình ổn” nhằm cung cấp các loại trái cây đúng vụ, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap tươi ngon, an toàn./.