Ngày 15/11, HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án phục vụ công tác chuyển đổi số, với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Đây là 3 dự án quan trọng góp phần xây dựng chính quyền số, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số.

3 dự án phục vụ công tác chuyển đổi số vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua chủ trương đầu tư, đều do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh làm chủ đầu tư.  Đó là Dự án đầu tư Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2024. Mục tiêu của Dự án là hình thành hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của trung tâm, bảo đảm kết nối, tích hợp thu thập, chuẩn hóa, xử lý nguồn thông tin, dữ liệu, từ đó đưa ra báo cáo chính xác, phục vụ giám sát, điều hành và ra quyết định của các cấp lãnh đạo trong quản lý nhà nước.

Dự án thứ hai là đầu tư nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư 14,7 tỷ đồng, thực hiện đến hết năm 2023. Đây là thành phần quan trọng nhất trong kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, góp phần cải cách hành chính của tỉnh. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kết nối các hệ thống thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; liên thông, chia sẻ, kết nối với các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành Trung ương.

Dự án thứ 3 là đầu tư bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ triển khai Đề án Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư 20,4 tỷ đồng. Dự án được triển khai với mục tiêu bảo đảm cung cấp đủ hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm dữ liệu tỉnh, phục vụ cho việc kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thông suốt, an toàn, hiệu quả.

Ông Trần Việt Trung, Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, 3 dự án vừa được thông qua góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng. “Tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục các dự án khác để phục vụ cho Trung tâm điều hành này và UBND tỉnh phải ràng buộc tiến độ của các dự án thành phần. Chẳng hạn ngành Tài nguyên - Môi trường đảm bảo tiến độ về số hóa đất đai, ngành Kế hoạch - Đầu tư triển khai số hóa danh mục dự án đầu tư cũng như các ngành khác giáo dục, y tế… Tiến độ phải phù hợp để đến năm 2024, Trung tâm này đi vào hoạt động và có đầy đủ dữ liệu phục vụ”, ông Trung thông tin.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh Khánh Hòa đã góp phần giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp. Hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt 56%; tỷ lệ đấu thầu qua mạng đạt hơn 35%. Công nghệ thông tin được doanh nghiệp, người dân ứng dụng nhiều trong quản lý, điều hành, giao dịch điện tử.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã có Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, đưa tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành đô thị thông minh và là tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, chương trình chuyển đổi số của tỉnh ưu tiên 6 lĩnh vực lớn là nông nghiệp, giao thông - vận tải, dịch vụ - du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường. Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa sẽ dành hơn 1.000 tỷ đồng cho lĩnh vực chuyển đổi số. 3 dự án vừa được HĐND tỉnh thông qua có ý nghĩa nền tảng cho chuyển đổi số của tỉnh Khánh Hòa.

“Tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng dành đầu tư cho danh mục ưu tiên đã được xác định. HĐND tỉnh xem xét, cân đối nguồn hằng năm để đảm bảo cho mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Khánh Hòa”, ông Thiệu cho biết./.