Giá rong mơ tại tỉnh Khánh Hòa đã xuống thấp nhất trong mấy năm gần đây, chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với năm trước. Trong khi đó sản lượng rong cũng sụt giảm khiến người làm nghề khai thác rong mơ ở tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. 

 

rong1_yhol.jpg

Rong mơ Việt Nam (ảnh: nongnghiep.vn)

Khai thác rong mơ, một loài rong biển mọc tự nhiên đã phát triển 5-6 năm nay tại nhiều địa phương ven biển tỉnh Khánh Hòa. Rong mơ sau khi khai thác dưới biển, đưa lên bờ, phơi khô sẽ có thương lái ra tận bãi thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mấy năm gần đây, khai thác rong mơ trở thành nguồn sống cho nhiều người dân.

Mặc dù công việc lặn xuống đáy biển để cắt rong khá vất vả nhưng mức giá 9.000 đồng/kg rong khô như năm trước cũng đã giúp mỗi người dân kiếm được khoảng 500.000 đồng mỗi ngày. Thế nhưng, năm nay, giá rong lại giảm mạnh xuống còn 3.000 đồng/kg khiến nhiều người lo lắng.

Ông Trần Văn Phát, ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, một người chuyên lặn rong mơ cho biết: “Khai thác rong mơ rất vất vả, phải chịu lạnh từ sáng tới chiều. Càng ngày khai thác càng khó vì ghe thuyền ngày càng đông. Cha con tôi mỗi ngày khai thác cũng chỉ được có vài tạ, không còn bao nhiêu”.

Từ mấy tháng nay, khi các thương lái Trung Quốc ngừng mua rong mơ, các đầu mối trung gian người Việt cũng chỉ mua cầm chừng khiến rong mơ rớt giá mạnh. Tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 1 ngàn héc ta rong mơ phân bố tại các đầm, vịnh ven biển. Rong mơ không chỉ là thảm thực vật ven biển mà còn là nơi làm tổ, sinh sản, trú ngụ của nhiều loài thủy sản. Vì vậy, để bảo vệ nguồn lợi rong mơ, tỉnh Khánh Hòa đã có quy định người dân chỉ được khai thác rong mơ đúng quy cách và khai thác từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.

Tuy nhiên, các thương lái Trung Quốc thường mua nhiều rong mơ vào tháng 2 nên không ít người dân đã thu hoạch rong non để bán, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt loại rong này. Tiến sỹ Lê Như Hậu, một chuyên gia về Rong mơ ở Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cho biết, đến nay sản lượng rong mơ đã sụt giảm, chỉ bằng 1/3 so với những năm trước do khai thác quá mức.

Tiến sỹ Lê Như Hậu cho hay: “Người dân cứ thấy rằng rong có là thu hoạch. Một phần nữa là bị áp lực từ phía Trung Quốc, người ta mua rong càng non giá càng cao, vì thế đã thúc đẩy người dân thu từ lúc tháng 2, tháng 3 rong còn non. Sản lượng rong mơ cũng đã suy giảm rất là lớn”.

Rong mơ đang sụt giảm sản lượng, mất giá vì người dân khai thác tự phát và lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đã đến lúc các ngành chức năng ở tỉnh Khánh Hòa cần có những giải pháp quyết liệt hơn để bảo vệ rong mơ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho loại đặc sản này./.