Sáng 16/5, tại Ninh Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo chủ đề "Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới" bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp tài chính APEC (SFOM) trong khuôn khổ APEC 2017 tại Việt Nam.

ninhbinhapec_laug.jpg
Toàn cảnh hội thảo tại Ninh Bình sáng 16/5

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh: Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng và hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các nền kinh tế thành viên.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh vấn đề trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nền kinh tế trên thế giới nói chung và trong khu vực APEC nói riêng, và phù hợp với mục tiêu của Việt Nam khi trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Các nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo bao gồm: Sự cần thiết phải trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới; Các yếu tố chính để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin xuyên biên giới thành công bao gồm cơ sở pháp lý và dữ liệu; Trao đổi, thảo luận đề xây dựng dự thảo biên bản thỏa thuận hợp tác và từ điển dữ liệu.

Các nội dung được trao đổi tại Hội thảo được đánh giá là đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam - một nước đang phát triển với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng còn chưa được đầy đủ. Ngoài ra, các khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân cũng chưa được đồng bộ.

Do đó, việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại. Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới, đồng thời, sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng trong việc tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.

Các đại biểu tại Hội thảo
Qua các ý kiến chia sẻ và thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin tín dụng trong khối APEC, khu vực ASEAN, và ASEAN+3 nói chung cũng như các đơn vị hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam nói riêng đều mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống báo cáo tín dụng qua những vấn đề về cơ sở pháp lý và chuẩn hóa dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới.

Các đại biểu cũng nêu rõ những thách thức, triển vọng của quá trình chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới trong tương lai, khẳng định vị thế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và dựa trên lợi ích chung của 21 nền kinh tế khu vực./.