Đại sứ Don Campbell, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế, các tổ chức độc lập đều đánh giá cao sự kiện APEC tại Việt Nam.

vov_donald_aaqe.jpg
Ông Don Campbell trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) diễn ra tại Hà Nội ngày 15/5 với chủ đề "Tầm nhìn quan hệ đối tác  châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ 21", ông Don Campbell cho biết, đại biểu cấp cao APEC, từ quan chức chính phủ, quan sát viên, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao các vấn đề thảo luận trong khuôn khổ APEC Việt Nam 2017, trong đó nổi bật là hợp tác kinh tế, tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường…

Hướng tới một khu vực tự do thương mại

Ông Don Campbell cho hay, các đại biểu đưa ra những ý kiến đóp góp, đề xuất giải pháp cho các vấn đề này để tham mưu cho lãnh đạo chính phủ ở các nền kinh tế thành viên của APEC.

Theo đồng Chủ tịch Cuộc họp PECC, APEC đã tạo ra hệ thống mạng lưới các sáng kiến và giải pháp cho các vấn đề lớn của khu vực. Hàng năm chúng tôi tổ chức các cuộc họp và khảo sát để đánh giá quá trình triển khai các đề xuất, sáng kiến đã đưa ra trước đó.

Đề cập đến Tầm nhìn APEC 2020, ông Don Campbell nêu rõ: Mục tiêu Bogor được đề ra năm 1994 đã đề ra tầm nhìn cho APEC đến năm 2000. Theo đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực không những tự do, mở cửa về thương mại mà còn có quan hệ chặt chẽ với các nước có nền kinh tế tiên tiến, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu. Tuy nhiên, theo ông Don Campbell hiện mục tiêu này vẫn chưa thành hiện thực, vậy nên, trong Tầm nhìn APEC 2020 sẽ vẫn hướng tới một khu vực tự do thương mại.

Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng bàn nhiều về vấn đề tự do thương mại, các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã thực hiện tốt mục tiêu này.

Ông Don Campbell nhận định, trong thế kỷ 21, trọng tâm sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong kỷ nguyên số hóa, thương mại điện tử, nhiều vấn đề mới được đặt ra. Các quốc gia phát triển theo hướng tương tác lẫn nhau, và tầm nhìn rất rộng lớn, trong đó chú trọng đặc biệt tới tăng trưởng kinh tế.

Hiện tăng trưởng của APEC chưa đáp ứng kỳ vọng và chưa đồng đều. Khoảng cách giàu – nghèo vẫn còn quá lớn, vì thế cần phải đảm bảo tăng trưởng sâu rộng, bền vững. Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu nên hướng vào vấn đề môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì lợi ích của người dân, vì môi trường trong sạch, sức khỏe đảm bảo…

Ở thời điểm hiện tại, một số nền kinh tế thành viên của APEC như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia,… phát triển khá nhanh và năng động, và được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này trong các thập kỷ tới.

Ông Don Campbell cho biết, với vai trò là một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ định hướng các chính sách hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định, thịnh vượng, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương tiếp tục phân tích khách quan nghiêm túc, xây dựng các giải pháp thực tiễn cho những vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thảo luận các vấn đề về hợp tác, chính sách phối hợp, từ đó thúc đẩy phát triển, tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Ông Don Campbell phát biểu tại Hội nghị

TPP vẫn tiếp tục, hoặc chuyển đổi sang hình thức khác

Trao đổi về TPP, đồng Chủ tịch Cuộc họp Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cho rằng, hiện Mỹ đang trải qua thời kỳ khó khăn. Không chỉ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới, đều dõi theo các biến động tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, trong đó có vấn đề liên quan đến bảo hộ thương mại. TPP là một trong những “nạn nhân” của xu hướng bảo hộ thương mại.

Có thể nếu thiếu Mỹ thì TPP vẫn tiếp tục, hoặc chuyển đổi sang hình thức khác. Ông Don Campbell nhấn mạnh: "Chúng ta cần tiếp tục theo đuổi TPP, vượt qua các thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu và mang lại lợi ích chung cho toàn khu vực, tiếp tục tạo ra công ăn việc làm tốt. Chúng ta cần nhìn vào tương lai đầy triển vọng phía trước và luôn phải đảm bảo tất cả các nền kinh tế thành viên đều được hưởng lợi từ thành quả tăng trưởng"./.