Chiều 1/6, chia sẻ với báo giới về cơ hội cho trái vải trong mùa vụ 2015 khi vải Việt Nam vừa chính thức được Mỹ và Úc – hai thị trường khó tính hàng đầu chấp nhận cho nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc tiêu thụ vải trong năm nay vẫn trông cậy nhiều ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc với lượng tiêu thụ khoảng 200.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 60% và Trung Quốc là 40%.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: “Việc kỳ vọng xuất khẩu số lượng lớn vải vào Mỹ, Úc ngay trong 1– 2 năm đầu là không nhiều. Nhưng đây là những bước đi vô cùng quan trọng và ý nghĩa để quả vải Việt Nam dường đường chính chính vào 2 thị trường này. Thời gian qua xuất khẩu thì điểm sang 2 thị trường này đã được vài trăm tấn là tiền đề để doanh nghiệp vào cuộc kết nối với người dân  tạo ra các vùng sản phẩm chất lượng đúng với yêu cầu. Bước đi này cũng giúp cơ quan quản lý tính toán và xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có kinh nghiệm tiếp tục mở cửa những thị trường lớn hơn như EU”.

Mỹ và Úc là 2 thị trường chặt chẽ và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng nông sản, quy trình để làm thủ tục đưa một mặt hàng mới như rau quả, trái cây vào các thị trường này thường phải mất 5 – 8 năm.

Để có thể xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, các cơ quan của Việt Nam phải rất nỗ lực đàm phán và hoàn tất các yêu cầu khắt khe của đối tác nước ngoài, nhất là vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Trái vải phải được trồng theo Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap). Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.

Được biết Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 8 mã số vùng trồng vải ở Bắc Giang và 2 mã số vùng trồng vải ở Hải Dương, với tổng diện tích 100 ha.

Trong tháng 6, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị tiêu thụ vải tại TP Hồ Chí Minh nhằm kết nối giữa các kênh tiêu thụ và người dân các vùng sản xuất vải, hướng tới một vụ vải bội thu.