Lô vải thiều với khối lượng 1 tấn đã được Công ty TNHH Ánh Dương Sao, có trụ sở tại TP HCM vận chuyển bằng đường hàng không xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cho biết thông tin này vào sáng 30/5.

Để có thể xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, các cơ quan của Việt Nam phải mất 12 năm đàm phán và hoàn tất các yêu cầu khắt khe của đối tác nước ngoài, nhất là vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cán bộ của ngành NN&PTNT trong đó có Cục Bảo vệ Thực vật đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn và tập huấn cho nông dân tại các địa phương – những vùng chuyên canh vải, ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và một số tỉnh miền Nam để trồng theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ.

20150529090844_5_oxzi.jpg
Thực hiện việc chiếu xạ vải thiều xuất khẩu. (Ảnh: KT)
Theo đó, vải ở những vùng này được trồng theo Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap). Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 8 mã số vùng trồng vải ở Bắc Giang và 2 mã số vùng trồng vải ở Hải Dương, với tổng diện tích 100 ha.

“Mỹ và Australia là 2 thị trường mới mở đòi hỏi rất cao về các yêu cầu kiểm dịch thực vật. Chúng ta không kỳ vọng xuất khẩu khối lượng lớn mà năm nay chỉ cần khai thông thị trường. Làm tốt được những lô vải xuất khẩu đầu tiên này có ý nghĩa rất quan trọng đó là khẳng định rằng ngành sản xuất vải thiều của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và An toàn thực phẩm của các nước tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta có thể đàm phán với các quốc gia khác trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Khi xuất sang 2 thị trường này tạo động lực lớn cho người nông dân thay đổi quan điểm và tư duy sản xuất theo quy trình và chất lượng cao hơn”, ông Hoàng Trung nói./.