Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ. 

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết: Thời gian qua, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã có nhiều kiến nghị về giải pháp, chính sách có tính khả thi và thực tiễn cao. Theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2015,  Ủy ban có 16 kiến nghị liên quan đến hệ thống tổ chức tín dụng, 20 kiến nghị liên quan đến thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán và 8 kiến nghị liên quan đến hoạt động bảo hiểm đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu để bổ sung, chỉnh sửa chính sách pháp luật. 

vuong_dinh_hue_lmyl.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. (Ảnh: TTXVN).

Đồng thời, phát hiện được nhiều vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra những thông tin dự báo có tính chất quan trọng trong việc hạch toán cho vay, lãi dự thu, rủi ro chéo và đầu tư chéo, đánh giá thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng… kiến nghị chỉnh sửa quy định pháp luật, giám sát nhằm ngăn chặn rủi ro trong các năm tiếp theo.  

Ông Vũ Viết Ngoạn nói: “Trong thực hiện chức năng được giao, Ủy ban luôn chủ động tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, cơ quan có liên quan trong việc xây dựng cơ chế chính sách về quản lý thanh tra giám sát hoạt động ngân hàng, chứng khoán bảo hiểm về các vấn đề có liên quan trực tiếp đến các vấn đề tài chính, chiến lược phát triển ngân hàng, chứng khoán bảo hiểm. Từ đó nâng cao nâng cao chất lượng tin cậy tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô, chủ động tham mưu cho Thủ tướng trong phản ứng chính sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Riêng trong năm nay, Ủy ban cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu cho Chính phủ hoạch định, triển khai hệ thống các giải pháp thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016- 2020, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia. 

Đồng thời, tham mưu chính sách về bảo đảm an toàn nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC, phát hành trái phiếu Chính phủ trong cân đối với chính sách tiền tệ, định hướng tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; định hướng hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong môi trường nhiều biến động và rủi ro, do đó yêu cầu của chính phủ là nâng cao năng lực phân tích và đánh giá dự báo kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề chính sách tài khóa, lãi suất, tỷ giá, lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ. Thứ 2 nữa là cần xây dựng các cơ chế phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, tăng cường chế độ cộng tác viên và các chuyên gia để từ đó đảm bảo tính minh bạch của thị trường tài chính”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần củng cố, kiện toàn tổ chức, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành cơ quan hữu quan để điều phối tốt hoạt động giám sát. 

Từ đó  nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế của đất nước phát triển lành mạnh và an toàn thời gian tới./.