>> Hy Lạp xoa dịu bất đồng với EU

>Hy Lạp cảnh báo nguy cơ hiệu ứng Domino nếu phải rời Eurozone

>> Hy Lạp lại cận kề nguy cơ vỡ nợ

Các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần đầu tiên công bố họ đang xem xét các phương án để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp trong trường hợp quốc gia này không có khả năng thanh toán cho các chủ nợ quốc tế vào cuối tháng 6 tới.

Bộ trưởng tài chính Đức và Slovenia tỏ ra không mấy lạc quan về gói cứu trợ dành cho Hy Lạp để giúp nước này trả nợ. Hiện tại, gói cứu trợ 261 tỷ USD sắp đáo hạn vào cuối tháng 6, trong khi những nỗ lực của Hy Lạp cũng như hỗ trợ của các nước trong khu vực Eurozone chưa phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng tài chính Slovenia - Dusan Mramor xác nhận, phương án “B” đã được nêu ra tại phiên thảo luận khá căng thẳng của các Bộ trưởng tài chính  khu vực Eurozone cuối tuần vừa qua.

Tuy nhiên, ông Dusan Mramor phủ nhận thông tin cho rằng Hy Lạp sẽ phải ra khỏi khu vực Eurozone nếu như quốc gia này bị vỡ nợ.

Bộ trưởng tài chính Đức - Wolfgang Schäuble cho biết Đức đã sẵn sàng đối phó với nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Ông cũng liên hệ kế hoạch giải quyết tình tình khủng hoảng nợ của Hy Lạp với kế hoạch thống nhất nước Đức được giữ kín đến phút chót.

Hy Lạp trở thành nước đầu tiên trong Eurozone bị vỡ nợ vào năm 2012, và hiện đang rất cần được giãn nợ, hoãn nợ hay thậm chí là vay thêm để trả nợ bởi danh sách những khoản nợ sắp đến hạn của Hy Lạp còn rất dài.

Trong năm 2015, Hy Lạp sẽ phải trả khoản nợ lên tới 22,5 tỉ euro (tương đương 25,4 tỉ USD). Hai chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp hiện là Quỹ tiền tệ thế giới IMF (8,7 tỉ euro) và Liên minh châu Âu EU (6,7 tỉ euro)./.