Nhiều tín hiệu cho thấy Hy Lạp đang tiến gần đến nguy cơ vỡ nợ bởi quốc gia này hầu như không còn đủ thời gian để thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

Hy Lạp vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế để giải ngân 7,2 tỉ euro còn lại trong gói cứu trợ nhằm giúp nước này đẩy lùi khả năng vỡ nợ.

Hiện tại, khoản dự trữ tiền mặt của chính quyền Hy Lạp đang sắp cạn, các ngân hàng tại Hy Lạp cũng đang khan hiếm tiền mặt. Các quan chức Hy Lạp cho biết họ cần huy động tất cả số tiền mặt dự trữ còn lại từ khu vực công (tổng cộng khoảng 2 tỉ euro) để trả lương cho công chức và lương hưu vào cuối tháng này.

hy_lap_gan_vo_no_oaby.jpgHy Lạp vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế để giải ngân 7,2 tỉ euro
Tin đồn về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) càng dấy lên sau khi Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tuyên bố không cho Hy Lạp trì hoãn trả khoản nợ 2,5 tỉ euro đáo hạn vào tháng 5 tới.

Đến nay, chính quyền Hy Lạp vẫn chưa đưa ra được chương trình cải cách kinh tế mà các các chủ nợ quốc tế có thể chấp nhận được để được giải ngân 7,2 tỉ euro số tiền còn lại trong gói cứu trợ 240 tỉ euro giúp quốc gia này đẩy lùi khả năng vỡ nợ.

Trước đó, đại diện chính quyền Hy lạp và các chủ nợ họp tại Paris nhằm kiểm điểm các cải cách tại Hy Lạp. Tuy nhiên, đàm phán không tiến triển vì Hy Lạp từ chối những áp đặt của các chủ nợ như giảm nhẹ các quy định về thị trường lao động, tăng thuế giá trị gia tăng hay tư nhân hóa ồ ạt.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định, những giải pháp cứu trợ cho Hy Lạp chỉ có được khi nước này có những nỗ lực tương xứng.

Ngày 24/4, các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone sẽ họp tại thủ đô Riga, Latvia, để bàn giải pháp cứu trợ Hy Lạp. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan về việc các bên sẽ đạt được thỏa thuận.

Hồi tháng 3/2012, Hy Lạp cũng đã lâm vào cảnh vỡ nợ mặc dù các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ giúp quốc gia này cắt giảm khoảng 100 tỷ euro nợ. Tuy nhiên, ngày 9/3, Fitch và Moody’s đồng loạt tuyên bố Hy Lạp đã vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28/2, Athens cũng bị một hãng định mức tín nhiệm hàng đầu khác là S& P xem là đã vỡ nợ một phần./.