Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 18/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Thông tin về việc đến ngày 31/12 tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức dừng cho vay ngoại tệ là cách hiểu không chính xác”.

Phó Thống đốc giải thích thêm, Thông tư 29/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng được cho vay ngoại tệ với bốn nhóm nhu cầu, gồm vay ngắn hạn - trung và dài hạn để thanh toán nhập khẩu, vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu, vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu và vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Trong đó, nhu cầu vay dài hạn cho nhập khẩu xăng dầu và vay để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu chỉ được đáp ứng đến hết ngày 31/12/2014, còn các nhu cầu ngoại tệ khác vẫn được quy định theo Thông tư 29.

“NHNN sẽ tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được tự quyết cho vay ngoại tệ đối với 2 đối tượng: DN sản xuất hàng xuất khẩu và DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đến hết năm 2015” – Phó Thống đốc nói.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, số tiền phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống, trong đó xuất khẩu chiếm 24%, còn xăng dầu khoảng 6%.

Và ở thời điểm này, sau khi đánh giá tình hình cho vay ngoại tệ thời gian qua và cân nhắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% như Quốc hội đề ra trong năm 2015 thì NHNN nhận thấy, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ. Do đó, Thống đốc NHNN tiếp tục cho phép các TCTD cho vay ngắn hạn ngoại tệ đối với 2 nhu cầu vay là DN sản xuất hàng xuất khẩu và DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thêm 1 năm nữa, tới hết năm 2015.

Cũng theo bà Hồng, cuối tuần này hoặc sang tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chính thức thay thế Thông tư 29” – Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Bà Hồng tiếp tục khẳng định quan điểm về điều hành ngoại tệ của nhà nước về lâu dài sẽ chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán. Và Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ./.