Trong họp báo Chính phủ chiều 29/10, trả lời phản ánh của báo chí: Gần đây, Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng cho rằng nợ xấu thực chất chưa được tính đúng, tính đủ, giải pháp nợ xấu xử lý chỉ mang tính kỹ thuật và nợ sẽ còn xấu hơn khi mở ra. Ông Hùng cũng cho rằng tốc độ giảm lãi suất chậm, khiến DN khó tiếp cận vốn, gặp khó khăn. “Xin Phó Thống đốc cho biết về nội dung này, làm rõ thông tin”?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là ý kiến của Đại biểu Quốc hội, NHNN sẽ lắng nghe nhiều ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau và khi có nhu cầu của ĐBQH, NHNN sẽ có giải trình và báo cáo cụ thể về hoạt động ngân hàng.
Về nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã báo cáo Quốc hội, trên thực tế, nợ xấu tích tụ từ nhiều năm. Nên khi Chính phủ đặt ra 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, nợ xấu là một trong những trọng tâm, mà NHNN xây dựng đề án, trong đó có đề án xử lý nợ xấu, thành lập Công ty mua bán và quản lý nợ xấu (VAMC).
Hàng tháng, NHNN đều báo cáo Chính phủ và Quốc hội về nội dung này. Đến tháng 9/2014, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 3,6% , thấp hơn nhiều so với vài tháng trước đây. Trong điều hành, NHNN có kênh đánh giá nợ xấu khác. Trong họp Chính phủ, Thống đốc cũng đã báo cáo Chính phủ về số liệu này, dựa trên cơ sở thông tin tín dụng tổng hợp từ CIC.
Theo số thống kê của NHNN, cả định lượng và định tính. Trong đó, định lượng là số liệu từ các ngân hàng, định tính đánh giá trên cả khả năng trả nợ của khách hàng theo chuẩn quốc tế (nếu khách hàng có 1 khoản nợ xấu, tất cả các khoản nợ khác cũng bị coi là xấu). Tính cả nợ đã cơ cấu vào thì sẽ có sự chênh lệch số liệu.
“Thống đốc báo cáo Chính phủ nợ xấu là 5,45%, hai con số này chênh lệch là những lý do trên, phục vụ việc quản lý tốt hơn” – bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Về xử lý nợ xấu, theo bà Hồng, thời gian qua đã có nhiều giải pháp. NHNN đã chỉ đạo tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, dùng dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. Để nợ xấu không phát sinh thêm, NHNN chỉ đạo mở rộng tín dụng phải an toàn hiệu quả, thẩm định kỹ lưỡng. NHNN đã rà soát đánh giá VAMC, trình Chính phủ sửa Nghị định 53 về VAMC. Những vướng mắc chủ yếu của VAMC là về quy định pháp luật, cần chỉnh sửa, nều không khó xử lý nợ xấu. Ví dụ, việc xử lý tài sản đảm bảo đang là vấn đề khó khăn. NHNN đề xuất Chính phủ trong thẩm quyền, đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa đổi luật. Ở đây, nhiều văn bản cần chỉnh sửa để xử lý nợ xấu như cho phép người nước ngoài mua nhà, cho phép chuyển nhượng bất động sản, tăng trách nhiệm của DN với nợ xấu. Đề xuất tăng vốn điều lệ cho VAMC, để tăng khả năng mua bán nợ xấu theo giá thị trường.
Về lãi suất, theo Phó Thống đốc, thực ra nếu so sánh hai bức tranh cuối năm 2011 với hiện nay thì lãi suất đã giảm mạnh. Cuối năm 2011, lãi suất trên 20%. Do các TCTD sử dụng để cạnh tranh lôi kéo khách hàng làm thị trường biến động. Đến nay lãi suất đã giảm hơn một nửa, bằng mức năm 2005 – 2006. NHNN cũng vừa hạ trần lãi suất từ ngày 29/10.
Bổ sung nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ đã bàn nhiều về nợ xấu. Vừa qua có ý kiến sẽ dùng ngân sách Nhà nước xử lý nợ xấu. Sự thật là trong quá trình làm đề án có ý kiến cho rằng cần thiết, nhưng đến nay NHNN chưa đề xuất chủ trương này. “Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo nên giải quyết bằng những cách khác phù hợp, vì ngân sách không thể chia sẻ được vấn đề này” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói./.