Sau 3 năm liên tục phát triển nóng, phong trào trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên vẫn tiếp tục tăng với cả nghìn héc ta được trồng mới mỗi năm. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, phong trào này có thể không giúp Tây Nguyên giữ được vị thế dẫn đầu cả nước về hồ tiêu, và cũng không giúp gìn giữ ngôi vị số 1 thế giới của nước ta về xuất khẩu mặt hàng này. Thực tế bệnh hại lan tràn ở các vùng hồ tiêu cho thấy, việc đua nhau trồng tiêu như hiện nay có thể khiến nông dân và ngành hồ tiêu phải trả giá đắt.

Bị hớp hồn bởi lợi nhuận từ 400 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm trên 1 héc ta, ông Đinh Gôn, dân tộc Ba Na, ở làng Brêp, xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang đã mạnh tay phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu.

Ban đầu, ông Gôn trồng 100 trụ. Thấy phát triển tốt, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 500 trụ. Thế nhưng, vườn tiêu sau đó nhanh chóng đổ bệnh. Đến nay, sau gần 3 năm, 600 trụ của gia đình, cả tiêu mới trồng và tiêu hơn 2 năm tuổi, đã chết gần hết.

“Đất trồng tiêu tại đây không phù hợp, nhiều người giàu vì tiêu còn tôi nghèo vì tiêu. Bây giờ, vườn tiêu của tôi không còn gì nữa, bị chết hết. May là tôi không chuyển đổi hết, nếu làm hết là bữa nay chắc chết rồi.” - ông Gôn than thở.

anh%20ho%20tieu%20chet.jpg
Hàng ngàn ha cây hồ tiêu bị bệnh khiến người trồng lâm vào cảnh khó khăn (ảnh: Công Bắc)

Cũng nuốt phải trái đắng khi chạy theo cây hồ tiêu là trường hợp của anh Nội, ở làng Đê Rơn, xã Đăk Jrăng. Trong vòng 3 năm, từ 2010 đến nay, anh Nội đã bỏ ra gần 50 triệu đồng để trồng hồ tiêu. Thế nhưng, sự chăm chỉ và mạnh dạn của tuổi trẻ không bù được việc thiếu kinh nghiệm, một nửa vườn tiêu của Nội hiện đã bị chết vì bệnh, số còn lại cũng khó sống sót.

“Năm 2010 tôi trồng 100 trụ tiêu nhưng nhanh chóng bị chết, sống được có mấy chục trụ. Sau đó tôi có trồng thêm tổng cộng gần 200 trụ nhưng tiêu không phát triển được, đến nay, chết gần hết giờ chỉ còn gần 100 trụ.” - anh Nội cho hay.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 9.000 ha cây hồ tiêu, trong khi đó quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh chỉ là 6.000 ha. Làn sóng phát triển hồ tiêu ồ ạt kéo theo hệ lụy trước mắt là dịch bệnh trên loại cây trồng này lây lan nhanh chóng, sang cả những diện tích hồ tiêu đang thâm canh.

Trong hai năm 2011 và 2012, riêng tỉnh Gia Lai có gần 500 ha tương đương gần 1 triệu trụ tiêu bị chết vì nhiễm bệnh, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2013, tỉnh có thêm khoảng 3.700 ha hồ tiêu bị nhiễm các bệnh thối gốc thân (thường gọi là bệnh chết nhanh), bệnh vàng lá thối rễ (thường gọi là bệnh héo chết chậm).

Đi trên Quốc lộ 14 qua hai huyện trọng điểm hồ tiêu của Gia Lai là Chư Pư và Chư Sê, suốt mấy chục km, chỉ thấy những vườn tiêu tàn tạ. Tuy nhiên, nông dân ở đây khi không cứu nổi hồ tiêu của mình lại di chuyển sang những địa phương khác, thuê đất để tiếp tục trồng hồ tiêu.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho rằng, đây là việc làm nguy hiểm, khi bà con không chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh là yếu tố rất nguy hại. Vì cây tiêu rất mẫn cảm và nhiễm các loại sâu bệnh rất khó phòng trừ sẽ dẫn đến việc tàn phá nguyên cả một vùng, gây nguy hại cho cả ngành hồ tiêu.

Ông Phạm Ngọc Cơ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mang Yang cho biết, dù nhận diện rõ những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn khi phát triển hồ tiêu phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, vì giá trị kinh tế rất cao, việc trồng loại cây này được các ngân hàng tạo điều kiện, nên càng phát triển nóng.

“Do thiếu đồng bộ và thiếu kiểm soát, cây trồng trong quy hoạch không được ngân hàng hỗ trợ. Ví dụ cây cao su không được ngân hàng cho vay dài hạn. Cây tiêu không phải trong quy hoạch nhưng ngân hàng vẫn giải ngân cho vay. Vì thế, cần đề xuất ngân hàng nông nghiệp nên chú trọng cho vay theo quy hoạch.” - ông Cơ cho biết.

Thực tế trong vài năm qua, tại tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đã có rất nhiều nông dân phải trả giá đắt vì ồ ạt trồng hồ tiêu. Rất nhiều gia đình là triệu phú, tỷ phú bỗng chốc trở thành con nợ.

Với tình trạng làn sóng trồng hồ tiêu ồ ạt còn tiếp diễn mạnh mẽ như hiện nay, không những sẽ có thêm nhiều nông dân phải trả giá đắt vì bệnh hại gia tăng. Còn nếu theo hướng ngược lại, bệnh hại được khắc phục thì sản lượng hồ tiêu sẽ vượt quá nhu cầu thị trường, hồ tiêu sẽ rớt giá, gây tổn hại khó lường./.