Tình trạng phát triển ồ ạt diện tích, dễ dãi trong lựa chọn giống và quy trình canh tác, cùng áp lực về dịch bệnh chết nhanh-chết chậm, đang gây ra những nguy cơ lớn đối với ngành sản xuất hồ tiêu ở Tây Nguyên, địa bàn quan trọng nhất cả nước trong sản xuất mặt hàng này. Tại Gia Lai, làn sóng trồng tiêu bằng mọi giá cũng đang diễn ra nóng bỏng, ngay cả khi đã có những hậu quả trước mắt, mà tương lai cũng rất khó lường.

Bị cuốn vào làn sóng trồng hồ tiêu ồ ạt, anh Nguyễn Tư, ở thôn Phú Lộc, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai có 2ha cà phê ở năm thứ 6 nhưng đã bạo tay phá bỏ gần 1ha để chuyển sang trồng tiêu. Hơn trăm triệu đồng đầu tư ngay trong năm đầu cho 1ha tiêu là con số lớn đối với gia đình, nhưng mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi vụ tiêu từ những người hàng xóm, khiến anh Tư quyết tâm trồng.

vuon%20tieu%20gia%20lai.jpg
Nông dân ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đang chọn giống tiêu để trồng

“Nói chung là phân cao, nước cao, công cao. Như vậy là một năm chi phí rất nhiều. So với cây tiêu và cây khác thì cây cà phê nó không đạt. Giá thấp quá. Cho nên tôi phá làm thứ khác, trồng tiêu cũng được”- anh Tư nói.

Trước phong trào trồng tiêu ồ ạt của nhân dân trong vùng, ông Rơ Lan Mét, dân tộc Ja Rai, ở làng Luh Ngố, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh cũng không thể ngồi yên. Ông đã bắt tay vào trồng tiêu và đến nay vườn tiêu của ông có hơn 500 trụ.

Mặc dù đã áp dụng khá nhiều biện pháp phòng trừ bệnh, nhưng hiện trong vườn của ông đã có hơn 200 trụ bị nhiễm các loại bệnh đốm lá, chết nhanh, chết chậm, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Tương lai của những trụ tiêu còn lại cũng không mấy khả quan. Ông Mét cho biết:“Mình đã đi học hỏi nhiều nơi, cũng được Trung tâm khuyến nông tập huấn các biện pháp khoa học, kỹ thuật rồi nhưng áp dụng không hiệu quả. Nguyên nhân chính là do mình thiếu vốn, khó áp dụng theo được. Hơn hai sào đã bị nhiễm bệnh rồi.”

Cùng với làn sóng trồng tiêu ồ ạt, dịch bệnh trên loại cây trồng này cũng tăng tốc. Chỉ riêng năm 2011 vừa rồi, hơn 300 ha, tương đương nửa triệu trụ tiêu, bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt, gây tổn thất hơn trăm tỷ đồng.

Một vườn tiêu của nông dân ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai bị nhiễm bệnh

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho rằng, cách phát triển tiêu ồ ạt, phá vỡ quy hoạch như hiện nay là rất nguy hiểm cho cả ngành hồ tiêu Việt Nam chứ không riêng gì các nông hộ. Diện tích tăng nhanh, sản lượng tăng đột biến thì chỉ vài ba năm tới, giá hồ tiêu có thể sẽ biến động khó lường. Đồng thời, việc đổ xô trồng tiêu bằng mọi cách, mọi giá như hiện nay sẽ có nhiều người phải trả giá đắt.

Cùng quan điểm này, ông Kpă Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết sở đã có khuyến cáo và yêu cầu các địa phương phát triển cây hồ tiêu nằm trong vùng quy hoạch. Việc trồng đòi hỏi phải thâm canh, chăm sóc kỹ. Nếu không làm như vậy thì nguy cơ thất bại là rất lớn.

Ngoài những nguy cơ từ tăng nóng diện tích, phát sinh dịch bệnh, Diễn đàn hồ tiêu bền vững, do cục trồng trọt và 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức tại Gia Lai hồi tuần trước, còn nhận thấy nguy cơ khác, đến từ việc thâm canh quá mức vườn cây. Để có nhiều sản phẩm bán trong thời điểm giá cao, nông dân trồng tiêu bón ngày càng nhiều phân hóa học.

Theo các chuyên gia, điều này sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm sạch, an toàn. Và một khi thị trường thế giới không chấp nhận sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam thì bi kịch đối với cây trồng này là tất yếu.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Chúng tôi muốn cảnh báo và đề nghị địa phương và bà con nông dân thực hiện tốt những quy định và thâm canh đúng theo quy trình mà các cơ quan khoa học, các hệ thống khuyến nông đã khuyến cáo. Để chúng ta đảm bảo được vừa thực hiện tốt thâm canh, nhưng bảo chất lượng và nhất là an toàn thực phẩm.”

Nước ta đang giữ ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, với hơn 100.000 tấn/năm. Còn Tây Nguyên đang dẫn đầu cả nước trong sản xuất loại nông sản có giá trị kinh tế rất cao này, với 52.000 tấn/năm. Để giành được vị trí hiện tại, Tây Nguyên đã đi cả một quãng đường dài, với hơn 20 năm đầu tư, phát triển và trả giá./.