Để duy trì, tái sản xuất có lợi nhuận, ổn định cuộc sống, nông dân trong vùng ĐBSCL đã linh hoạt, chủ động áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Trần Thiện Thanh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Trường Phát, Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cho biết, trước đây, trồng cây sầu riêng thu nhập của các thành viên ổn định. Nay do giá phân bón, thuốc BTVT còn ở mức cao khiến cho thu nhập của nông dân giảm theo.
Cụ thể trước đây, phân bón chiếm khoảng 15% chi phí thì nay đã tăng lên tới 25 - 30%, nhiều loại phân bón đã tăng gấp 2 đến 3 lần. Chính giá phân bón tăng cao, buộc người dân đã thay đổi tập quán canh tác, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, giảm chi phí nhưng sản phẩm làm ra chất lượng vẫn đảm bảo.
"Phân thuốc bảo vệ thực vật thì giá leo thang từng ngày, hợp tác xã cũng mong các ban liên ngành mà có liên quan tạo điều kiện hỗ trợ cho hợp tác xã về vấn đề giá cả đầu vào cho hợp tác xã. Cái giá vật tư nông nghiệp bây giờ nó chiếm khoảng 25 - 30% trong đó, chưa kể về vấn đề nhân công" - ông Trần Thiện Thanh nói.
Còn ông Thạch Phi Rùm cán bộ ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng đã làm cho nông dân nhất là người trồng lúa gặp nhiều khó khăn, thậm chí không có lãi. Ông cùng nhiều nông dân trong ấp chuyển sang trồng cây ớt theo mô hình liên kết để có hiệu quả cao hơn.
“Nếu giá phân hiện tại tăng gần gấp đôi (50%). Cây lúa ăn phân nhiều nên bị ảnh hưởng lắm, khổ cho bà con nhiều lắm. Tôi cũng khuyến khích bà con chuyển sang trồng các loại cây màu để có hiệu quả kinh tế cao như: bầu, bí, ớt, dưa leo, khỗ qua… Mùa tới này, tôi hướng dẫn bà con sử dụng ít phân hóa học lại để bớt chi phí, sử dụng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ. Thuốc cũng sử dụng giảm lại, nên sử dụng vi sinh nhiều hơn” - ông Thạch Phi Rùm nói.
Giá phân bón hiện nay tại khu vực ĐBSCL vẫn tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại phân bón thông dụng giá luôn ở mức cao là: phân U RÊ hiện khoảng 740.000 đồng/bao, phân DAP giá 1,4 triệu đồng/bao. Riêng thuốc bảo vệ thực vật tăng ít hơn phân bón nhưng cũng tăng trên 20% so cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ nông dân gặp khó mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân, thuốc bán ra cũng chậm và khó thu hồi nợ từ khách hàng.
Trước tình trạng phân bón, thuốc BVTV sốt giá, nông dân vùng ĐBSCL đã linh hoạt, áp dụng đồng bộ các biện pháp như: tiết kiệm phân, bón phân đúng kỹ thuật, nhà vườn cần sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục thay thế phân bón hóa học.
Ông Võ Thanh Nhàn, nhà vườn ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có sáng kiến khả thi là nuôi gà trên mặt ao, tận dụng phân gà cho cá ăn. Sau đó lấy nước trong ao tưới cây và bùn ở đáy ao bón cho cây. Nhờ vậy mà vườn bưởi xa danh của ông tươi tốt, không sử dụng phân hóa học.
“Mô hình này tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học mà nước ngoài đã áp dụng lâu rồi. Vườn này khi phá ra trồng thì tôi đào ao nuôi cá trước, rồi nuôi gà, trồng cây lấy nước tưới. Miếng vườn này trên 2.000 m2 nếu bà con bón phân mỗi năm mất vài chục triệu đồng nhưng tôi chỉ mất 2-3 triệu thôi, không sử dụng thuốc trừ sâu. Mô hình này tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nhân công đủ thứ luôn" - ông Nhàn chia sẻ.
Cùng với đó, các giải pháp tiết kiệm phân, thuốc bằng cách thay đổi phương thức canh tác, để giảm chi phí mà giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng vẫn được nông dân áp dụng.
Ông Phan Văn Tiếp nông dân trồng cây ớt thương phẩm tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Phân bón thì mình bón theo tiêu chuẩn, ngày trước mình bón bồi nạp quá, cây ớt không bao giờ ăn hết, hiện nay mình tưới. Nếu mình bón 1 công đất là 1 bao phân còn hiện nay mình tưới 3-4 lần mới hết 1 bao, đủ ăn đến thời gian thu hoạch, giảm được tiền”.
Tại các vùng trồng lúa chuyên canh của tỉnh Sóc Trăng, nông dân đang lo lắng vì chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Nếu tính toàn bộ chi phí sản xuất cho 1 vụ lúa lên khoảng 2,5 triệu đồng/công. Đặc biệt, vụ lúa Hè Thu chi phí tăng cao lúa giảm năng suất, nông dân lợi nhuận thấp.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc triển khai thực hiện các giải pháp, mô hình, ứng dụng khoa học, kỹ thuật làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng suất trong sản xuất là hết sức cần thiết trong bối cảnh này.
"Trong năm 2022, Chi cục trồng trọt và BVTV kết hợp với một số địa phương cũng như là thực hiện mô hình để làm sao giảm chi phí cho bà con nông dân từ 1-1,2 triệu đồng/ha trên một vùng. Đây là việc làm mà thời gian qua đã được triển khi rộng rãi đến bà con nông dân ở trên địa bàn tỉnh. Từ giảm phân hóa học cho tới sử dụng phân hữu cơ và giảm thuốc hóa học, sử dụng chế phẩm sinh học đặc biệt là những phân khoáng tự nhiên".
Dù giá nhiên liệu có giảm nhưng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao nên người nông dân trong vùng vẫn còn chịu áp lực nặng do chi phí tăng cao.
Trước thực trạng phân bón tăng giá, các cơ quan chức năng của vùng ĐBSCL đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ tại tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện gần chục trường hợp kinh doanh phân bón giả, vi phạm nhãn hiệu... Các trường hợp vi phạm đã bị xử phạt hành chính, buộc cam kết không được tái phạm./.