Cách làm này đã cho thấy hiệu quả kép khi giảm chi phí phân bón hóa học, đồng thời góp phần cải thiện môi trường đất và sức bền của vườn cây.
Thời điểm này, Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) vừa ủ xong 200 khối phân hữu cơ từ phân bò, vỏ cà phê, trấu và các phế phẩm từ nhà máy chế biến nông sản.
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã cho biết, với trên 200 ha hồ tiêu và cà phê, mỗi năm đơn vị cần sử dụng khoảng 60 tấn phân hoá học. Nếu tính theo giá phân bón hiện nay, thì chi phí lên tới trên 1 tỷ đồng. Để tiết giảm chi phí, từ đầu năm tới nay, hợp tác xã đã liên hệ với một chuyên gia về hướng dẫn ủ phân bón hữu cơ bài bản, chất lượng từ những nguyên liệu sẵn có.
“Trước đây, chúng tôi đã từng làm, nhưng làm với nông hộ. Nay xét thấy nhu cầu và phế phẩm nông nghiệp đang thừa thãi, rẻ nữa nên năm nay là năm đầu tiên hợp tác xã đưa vào sản xuất một quy trình quy chuẩn hơn để triển khai rộng rãi cho bà con. Về dài hạn, chúng ta bồi bổ cho cây trồng lượng đạm hữu cơ, xác bã thực vật, tạo độ mùn cho đất. Đặc biệt là chúng ta nuôi lại hệ thống vi sinh cho nền đất, tạo kháng sâu bệnh tự nhiên, không phải phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật về lâu dài” - ông Công chia sẻ.
Không chỉ các hợp tác xã nông nghiệp, mà nhiều nông hộ ở Gia Lai cũng đã quen việc tự ủ phân hữu cơ để chăm sóc cây trồng, giảm lượng phân hóa học, tiết kiệm chi phí sản xuất. Chị Hoàng Thị Trúc (43 tuổi, ở thôn Brếp, xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang) cho biết, nhờ tận dụng nguồn phân bò để ủ phân vi sinh, gia đình chị tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng tiền phân hóa học mỗi năm.
Theo chị Trúc: “Hiện giờ phân hoá học mua giá rất cao, nên nhà tôi có phân chuồng thì mình kết hợp cỏ, rất hiệu quả. Lá cây cà phê xanh, đất tơi xốp, tốt hơn so với việc không sử dụng phân chuồng. Cả nhà, anh em, cha mẹ đều dùng phân chuồng bỏ cho cà phê".
Ông Nguyễn Mạnh Điệp - Chủ tịch UBND xã Đăk Jrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho biết, là xã thuần nông, địa phương có gần 18.000 ha cây trồng các loại và đàn gia súc hàng nghìn con. Đây là những điều kiện thuận lợi để bà con có thể tự sản xuất phân hữu cơ. Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích nông dân tự làm phân hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Thực tế cho thấy, phân hữu cơ có hiệu quả nhiều mặt, mà chi phí để làm 1 tấn hiện nay chưa tới 2 triệu đồng, rẻ chỉ bằng 1/10 so với mua phân hoá học:
“Những nhà có 5 đến 7 con bò, bà con, đặc biệt người dân tộc thiểu số đã biết tận dụng phân của đàn bò tận dụng vỏ cà phê, chấu, có người đi phát thêm cỏ bỏ vào để làm phân hữu cơ, giảm sử dụng phân hoá học. Chúng tôi đã đưa vào nghị quyết, các lớp tập huấn của hội nông dân. 8 thôn làng trên địa bàn xã đã áp dụng mô hình này, tự sản xuất chăm bón cây trồng trong vườn nhà. Vừa qua chúng tôi cũng đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đi tham gia mô hình vườn thì đại đa số cây trồng rất phát triển, rất là hiệu quả” - ông Điệp cho biết.
Tự làm phân hữu cơ từ những phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp mà nông dân Gia Lai đang triển khai cho thấy rõ hiệu quả trong cơn bão giá phân bón hoá học hiện nay. Đồng thời cách làm này cũng giúp bà con cải tạo chất đất và đảm bảo sức bền của vườn cây../.