Hôm nay (6/12), Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban Kinh tế Trung ương, tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn: “Hội nhập kinh tế quốc tế - 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”.

bia1_ouyv.jpgHội thảo được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn về hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta và thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh, qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, thiết thực hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Nếu hội nhập vẫn hướng vào nền kinh tế gia công thì sẽ thất bại

Tại Hội thảo, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng chỉ ra rằng, sau gần 30 năm đối mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về hội nhập nhưng giữ vững tự chủ; tổng lực của đất nước có tăng lên; thể chế cũng đã khá lên. Nhưng nội lực về kinh tế của nước ta chưa tương xứng tiềm năng, thậm chí có thể nói là đang tụt hậu so với thế giới. Thể chế tuy khá lên nhưng vẫn còn lạc hậu, không theo kịp được hội nhập. Phương thức quản lý từ nền kinh tế chuyển đổi trong nước sang quản lý nền kinh tế hội nhập quốc tế cũng tỏ ra đuối sức.

Ông Vũ Khoan 

Hay như tình trạng bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa đúng ra phải là lực lượng rất quan trọng, nhưng do kinh tế trong nước khó khăn, lực của DN này yếu nên lúng túng trong hội nhập. Còn doanh nghiệp nhà nước lớn hơn nhưng hiệu quả chưa tương xứng, và nhiều DN do độc quyền nên không muốn hội nhập...

Đặc biệt, hội nhập phải đi đôi với đẩy mạnh đổi mới thể chế trong nước,  nhưng theo ông Vũ Khoan, “câu chuyện đột phá thể chế nghe 30 năm nay vẫn như thế, chưa biết bao giờ sẽ kết thúc đột phá này. Nhiều thể chế quốc tế còn chưa tiếp cận được. Chẳng hạn, tính nợ xấu của Việt Nam chưa giống chuẩn quốc tế. Xác định nợ công cũng không giống chuẩn quốc tế...”

Trong thời gian tới, ông Vũ Khoan đề nghị cần: Một là, xây dựng một sự liên kết các cam kết hội nhập vào một thể thống nhất, trong đó định rõ ưu tiên về khu vực, đối tượng. Còn nếu làm ào ào chung, được sẽ hạn chế, mất sẽ khó lường.

Hai là, hội nhập toàn diện, lấy kinh tế làm trung tâm. Cụ thể, không nhất thiết chỗ nào kinh tế cũng là trung tâm, mà cần linh hoạt. Tức là, có khu vực kinh tế phải là trung tâm, có khu vực chính trị phải là trung tâm.

Ba là, hội nhập phải xoáy mạnh vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng để mô hình phát triển của Việt Nam đạt hiệu quả chất lượng vượt bậc. Phải thay đổi cấu trúc, nhưng kết quả cuối cùng phải là năng suất lao động và hiệu quả. Tức là hội nhập phải đạt năng suất cao, hiệu quả cao. Nếu hội nhập vẫn hướng vào nền kinh tế gia công thì sẽ thất bại.

 

Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ

Khai mạc Hội thảo, GS. TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Trên cơ sở đường lối đổi mới “mở cửa” nền kinh tế và phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, từ Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta đã chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế.

Về những thành quả hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật gần 30 năm qua, GS.TS Vương Đình Huệ cho biết: Thứ nhất, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết đã sớm được các bộ, ngành quan tâm triển khai từ Trung ương tới địa phương kết hợp với các hoạt động tuyên truyền đối ngoại.

Thứ hai, nước ta đã hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu; đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế...

Ông Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội thảo

Thứ ba, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 22,58%/năm. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể hơn, ông Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia vào 3 chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nổi bật nhất là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy. Một số sản phẩm của Việt Nam được xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế như dầu khí, viễn thông, dệt may, một số sản phẩm nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu...).

Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2013 đã thu hút được 3.568 dự án FDI cấp mới với số vốn đăng ký là 49.997 triệu USD, vốn thực hiện là 32.960 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 5 triệu lao động...

Cũng đánh giá về thành quả gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Quan điểm của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành, bổ sung và hoàn thiện không ngừng qua các kỳ Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương giữa các kỳ Đại hội.

Triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu đạt được trong hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng thế và lực của nước ta, để nước ta từ “phá thế bị bao vây, cấm vận”, tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”, và tiếp theo là “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện; từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là bạn, là đối tác tin cậy”, “là thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.

Từ thực tiễn 30 đổi mới và hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ: Trước khi hội nhập, Quảng Ninh chỉ là nơi “sơn cùng, thủy tận”, 100% hoạt động ngân sách do Trung ương cung cấp. Nhưng từ khi hội nhập, đặc biệt sau Đại hội Đảng năm 2011, Quảng Ninh đã có những khởi sắc trong hội nhập.

Kết quả tiêu biểu như: Tốc độ tăng trưởng trên 9%/năm, bình quân thu nhập năm 2014 đã tăng gấp đôi so với năm 2004 (hiện tương đương 3.500 USD/người/năm); tỷ trọng công nghiệp chiếm khoảng 50% trong nền kinh tế; dịch vụ chiếm hơn 42% năm 2014; phát triển kinh tế chuyển từ nâu sang xanh đã đạt những kết quả khả quan.

Về xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh có 25% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên toàn quốc. Xuất khẩu tăng gấp 2 lần trong những năm qua; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu miền Bắc; chỉ số phát triển con người đứng tốp 5 cả nước, kết quả xóa đói giảm nghèo đạt còn 1,7% số hộ nghèo, là một trong những tỉnh có hộ nghèo ít nhất cả nước.

Quảng Ninh đi tiên phong cả nước trong thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Mô hình này hoạt động theo nguyên tắc là tách phục vụ công ra khỏi quản lý nhà nước. Đầu tư PPP là cách làm thu hút tốt đầu tư cho phát triển của Quảng Ninh, nhờ nó mà có điện lưới quốc gia đến một số đảo, đến các thôn bản sâu, xa; là tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao làm sân bay theo hình thức PPP, làm đường cao tốc…

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, quá trình hội nhập, Quảng Ninh cũng vướng ở chỗ: Tiềm năng lớn, nhưng cơ chế chính sách quá hạn hẹp, lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất; dịch vụ và công nghiệp trên cùng địa bàn nên có những xung đột...

Hội nhập chưa gắn chặt với tính bền vững của sự phát triển kinh tế

GS.TS Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một số hạn chế của quá trình hội nhập. Trong đó, có tình trạng hội nhập chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hội nhập kinh tế quốc tế còn chưa thực sự gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hội nhập cũng chưa phát huy tốt nhất các nguồn lực bên ngoài để phát triển. Nhiều bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thiếu chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện, cụ thể..., nhất là tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại.

Với việc tự do hóa thương mại, đầu tư một số thị trường, lĩnh vực, ông Vương Đình Huệ đánh giá, còn chưa sát hợp với thực tế phát triển của nền kinh tế. Chậm xây dựng hàng rào kỹ thuật cần thiết và một hệ thống quản lý thị trường đủ năng lực và hiệu quả để bảo vệ thị trường trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu và hàng độc hại gây tác động đến môi trường sản xuất kinh doanh và sức khỏe cộng đồng./.