Sau 12 năm thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các nông lâm trường đã bước đầu xác định được chức năng, nhiệm vụ và dần chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn nông, lâm nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Các nông lâm trường quốc doanh (NLTQD) đã đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, đặc biệt có vai trò rất lớn quan trọng đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), các NLTQD hiện nay đang quản lý một diện tích đất đai rất lớn, gần 8 triệu ha. Song việc sử dụng đất đai kém hiệu quả, còn lãng phí, đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng của đất đai. Theo phân tích tổng hợp, thu nộp Ngân sách Nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm từ năm 2004 - 2014 chỉ được 1.800 tỷ đồng, tính bình quân mỗi ha/năm bình quân chỉ đạt 90.000 đồng, tương đương với khoảng 5kg gạo.
Đại biểu Trần Minh Diệu (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đánh giá thấp hiệu quả sản xuất của các NLTQD. |
Về hiệu quả sản xuất đất, diện tích đất do các NLTQD quản lý gần 8 triệu ha là rất lớn. Trong đó diện tích giao để sản xuất kinh doanh và làm nghĩa vụ tài chính là hơn 2 triệu ha. Nhưng theo Báo cáo của Tổng cục thuế có 6 đơn vị không có số liệu thu vào ngân sách. Còn tất cả các địa phương có đất rừng còn lại trong giai đoạn năm 2004 - 2014 chỉ nộp được 1.700 tỷ đồng, bình quân 1 ha đất sản xuất phải kê khai để làm nghĩa vụ tài chính trong mỗi năm chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 80.000 – 90.000 đồng tương đương với giá trị của vài chiếc kẹo.
“Một con số cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh là không thể chấp nhận được. Điều đó cũng có nghĩa là sự thất thoát lãng phí, trong khi đó có gia đình phải trả rất lớn về môi trường khi hàng nghìn ha rừng phòng hộ chuyển thành rừng sản xuất kinh tế theo cách mà nhiều địa phương đang làm”, Đại biểu Trần Minh Diệu nói.
Còn theo Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), nhiều năm qua chúng ta đã buông lỏng quản lý Nhà nước dẫn đến việc các NLTQD được giao đất với số lượng lớn, thậm chí rất lớn. Mặc dù được giao tài sản rất lớn, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn ha nhưng nhiều nông, lâm trường vẫn nợ lương công nhân, vẫn nợ thuế, vẫn nợ ngân hàng mà gần như vô vọng, không nhìn thấy tương lai nguồn thu nào để trả nợ.
Sau khi các nông, lâm trường đã được cổ phần hóa nhưng việc quản lý vẫn lỏng lẻo, đất vẫn bị chuyển đổi trái phép, sử dụng sai mục đích, chưa kể đến việc mất rừng. “Có những nơi đã giao đất cho dân nhưng vẫn tiếp tục buông lỏng quản lý, ngay cả khi ký hợp đồng và thậm chí có những hợp đồng giao đất trái phép, không đúng thẩm quyền, gây ra bất đồng, mâu thuẫn trong dân nhiều năm, có những trường hợp các công ty giao khoán cho dân nhưng khoán trắng cho dân, mặc cho dân tự canh tác, muốn trồng gì thì trồng, muốn khai thác gì thì khai thác, rất tùy tiện nên cả việc loại cây trồng, các mức khoán, phương thức quản lý đã không thống nhất. Đó là các nguyên nhân chủ yếu tôi cho rằng dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông, lâm trường vừa qua không có hiệu quả”, Đại biểu Bùi Thị An chỉ rõ.
Để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng đất tại các NLTQD tránh lãng phí, Đại biểu Trần Minh Diệu cho rằng, Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề về việc tăng cường quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc NLTQD, kiên quyết xử lý trách nhiệm thu hồi toàn bộ diện tích đất sử dụng sai mục đích phát canh thu tô, đất giao khoán cho những người không trực tiếp sản xuất, đồng thời tiếp tục rà soát điều chỉnh lại quy hoạch để thực hiện việc thu hồi nhiều hơn nữa diện tích đất từ các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích để giao lại cho người dân có tư liệu để lao động, tổ chức lại sản xuất, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ đất đai.
“Đặc biệt, đất thu hồi giao cho người dân sản xuất phải là đất gần khu dân cư dễ canh tác, không phải là đất xa dân cư, đất xấu, đất canh tác không có hiệu quả. Tôi cũng đề nghị chỗ khó, ở xa thì nhà nước đầu tư giao cho các Công ty lâm nghiệp triển khai thực hiện”, Đại biểu Trần Minh Diệu đề xuất.
Còn theo Đại biểu Y Khút Niê (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk), Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan cho tiến hành tổng rà soát đánh giá thực chất hiệu quả quản lý sử dụng đất đai của các NLTQD trong phạm vi cả nước. Kiên quyết xử lý chuyển đổi mô hình quản lý những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Những trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài đến mức không thể khắc phục được thì cho tiến hành giải thể chuyển giao đất đai cho địa phương quản lý, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng với lĩnh vực lâm nghiệp, Chính phủ cho rà soát lại mô hình hiện nay giao quản lý 3 loại đất rừng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất rừng đặc dụng cho ban quản lý rừng phòng hộ hoặc công ty lâm nghiệp. Các công ty lâm nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình đối với diện tích đất được giao, đồng thời được bình đẳng tổ chức sản xuất kinh doanh như các doanh nghiệp khác.
Theo quan điểm của Đại biểu Bùi Thị An, nhà nước dứt khoát chỉ giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất, cho phép họ khai thác các phần sinh trưởng hàng năm của rừng nhưng theo hướng bền vững để họ có thể sống bằng rừng nhưng dứt khoát theo hướng bền vững, không với tính chất triệt hạ.
“Tôi đề nghị đến tháng 6/2016 hoặc chậm nhất hết năm 2016 phải có cấp ranh giới, cấp sổ đỏ cho tất cả những vùng thuộc diện quản lý của các NLTQD, bởi vì đây là một trong những nguyên nhân gây quản lý không tốt, cũng như tranh chấp vẫn thường xảy ra trong thời gian qua”, Đại biểu Bùi Thị An kiến nghị./.