Trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến việc sản xuất và kinh doanh gặp nhiều khó khăn, anh Y Pôt Niê, dân tộc Ê Đê, doanh nhân trẻ ở buôn Kla, xã Drai Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động tìm hướng đi mới để thích ứng. Y Pôt đã mạnh dạn chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, dù trong điều kiện dịch bệnh, doanh thu của công ty vẫn được giữ ổn định.
Hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi xuất lô sản phẩm mới cho khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội, anh Y Pôt Niê, giám đốc công ty TNHH Ê Đê Cà phê, ở buôn Kla, xã Drai Sap, huyện Krông Ana cho biết, đây là những đơn hàng cuối cùng của công ty trước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Khép lại 1 năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công ty vẫn có được những thành quả đáng khích lệ khi ký được 4 hợp đồng xuất khẩu lớn với hơn 40 tấn cà phê Robusta. Cùng với đó, công ty đã sáng tạo ra 3 sản phẩm mới là cà phê hòa tan vị khoai môn, vị sầu riêng và cà phê hòa tan 3 trong 1.
Anh Y Pốt Niê cho rằng, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, việc hướng tới các thị trường mới, các sàn thương mại điện tử chính là hướng đi phù hợp để giúp cho lượng tiêu thụ của công ty được ổn định. “Trong thời gian dịch, doanh nghiệp đã tiếp cận với các sàn thương mại điện tử như Facebook, Alibaba, Sen Đỏ, Shopee, Tiki. Hiện tại sản phẩm của Ê Đê Cà phê đã lên tới 54 tỉnh thành”, anh Y Pốt Niê cho biết.
Từ việc thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong năm qua, doanh thu của công ty TNHH Ê Đê cà phê đạt hơn nửa tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 nhân viên với mức thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng, đóng góp cho ngân sách nhà nước và các hoạt động an sinh xã hội gần 100 triệu đồng.
Y Pôt Niê chia sẻ, trải qua 4 năm gắn bó với hoạt động sản xuất và kinh doanh cà phê, công ty luôn đặt chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu. Bản thân Y Pôt cũng theo đuổi đam mê làm cà phê sạch mang nhãn hiệu của đồng bào mình. Do đó, ngay từ khi thành lập công ty, anh đã đăng ký bảo hộ cho dòng sản phẩm mang nhãn hiệu “Ê Đê cà phê”.
Trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho loại nông sản làm ra từ buôn làng này, công ty kiên trì với nguyên tắc trồng cà phê sạch và rang cà phê mộc, bao gồm hai dòng chính: Cà phê rang củi thủ công và cà phê rang máy, tuân thủ theo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty cũng dần tìm tòi thử nghiệm những sản phẩm mới, tiếp nhận những phản hồi của khách hàng để hoàn thiện ngày càng tốt hơn các sản phẩm hiện có. Nhờ đó, đến thời điểm này, sản phẩm của Ê Đê cà phê đã có mặt ở 54 tỉnh, thành phố trong nước và được xuất khẩu sang thị trường các nước như Malaysia, Mông Cổ, Trung Quốc.
“Trải qua 4 năm học hỏi không có sách vở, từ 1 người gọi tay ngang bản thân đã tìm hiểu rất nhiều về cách trồng trọt cà phê, cũng như cách rang xay và phân loại cà phê, làm sao để cà phê đạt được độ tốt, độ chín được thị trường đón nhận. Đó là một chặng đường gian nan cho tới thời điểm bây giờ đã là 4 năm, tới thời điểm hiện tại sản phẩm của doanh nghiệp đã được thị trường chấp nhận”, anh Y Pốt Niê chia sẻ.
Trong năm qua, sản phẩm robusta hạt và robusta bột của Ê Đê cà phê đã được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk, đồng thời được nhận Chứng nhận sản phẩm 4 sao OCOP của tỉnh. Hiện tại, công ty đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thiết kế mẫu mã bao bì để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, dự kiến triển khai ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Cùng với đó, ngay sau Tết, công ty sẽ tiếp tục đàm phán để xuất tiếp các lô hàng sang một số quốc gia khác.
“Ngay sau Tết doanh nghiệp sẽ xuất khẩu cà phê sang một số nước như Singapore và Hong Kong. Đối với tôi, đây là sự may mắn rất lớn bởi được làm cà phê bằng tất cả cái tâm nên đảm bảo cà phê sạch 100%. Điều đó khiến những người bạn ngoại quốc rất thích sản phẩm”, anh Y Pôt Niê nói.
Giữa lúc dịch Covid-19 gây ảnh hưởng khiến việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty TNHH Cà phê Ê Đê của doanh nhân trẻ Y Pôt vẫn có hướng đi thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất. Với niềm đam mê theo đuổi dòng sản phẩm mang thương hiệu của đồng bào mình, chàng doanh nhân Ê Đê đang tiếp tục nỗ lực để đưa thương hiệu Ê Đê cà phê đến nhiều hơn với thị trường trong và ngoài nước, góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm cà phê được sản xuất tại địa phương./.