Những năm qua, đặc biệt là sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong EU đều ghi nhận tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa.
Tại Tọa đàm “Xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt sang các thị trường trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương thực hiện ngày 25/11, nhiều ý kiến cho rằng, tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, nhưng số lượng hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn mang thương hiệu nước ngoài.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, hàng hóa Việt Nam rất đa dạng và có vị trí cao tại Pháp, tuy nhiên là vẫn còn tập trung nhiều vào một số các mặt hàng chủ đạo, những mặt hàng tưởng chừng như thế mạnh như hàng nông sản, thực phẩm vẫn chưa có nhiều vì vậy tiềm năng còn nhiều điểm để khai thác.
Nhận xét về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam tại Pháp, theo ông Sơn, cho tới nay ngoài Tập đoàn Lộc Trời với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, đã trở thành 1 DN thành công trong việc tiếp cận hệ thống đại siêu thị tại châu Âu, chủ động tiếp cận với hệ thống đại siêu thị tại Pháp thành công. Còn lại chưa thấy có DN nào chủ động thành công để đưa sản phẩm vào hệ thống đại siêu thị - là phân khúc cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ tại châu Âu.
“Chúng ta cũng phải xác định 1 điều rằng, xây dựng thương hiệu Việt Nam và tiếp cận vào hệ thống các đại siêu thị không phải là câu chuyện cho tất cả các DN, mà chỉ dành cho một số nhỏ những DN có đầy đủ năng lực, có hiểu biết về thị trường và có một chiến lược phát triển bài bản”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro), trong khối thị trường ngách, EU là một trong những thị trường chiến lược của Hapro khi chiếm tới trên 30% thị phần. Tuy nhiên, hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam khi chinh phục thị trường EU còn nhiều rào cản, không chỉ đồi với hàng Việt Nam mà đối với tất cả các nước khi muốn đưa hàng vào châu Âu.
“Ví dụ như ta muốn xem đá bóng thì yêu cầu tối thiểu của ta phải có vé vào xem còn lại bằng bao nhiêu tiền thì ta được ngồi ở vị trí nào. Ở đây muốn xuất khẩu hàng vào châu Âu hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Thị trường EU yêu cầu đầu tiên là khâu nguyên liệu và không thể có một nguyên liệu xấu mà chế biến ra được sản phẩm chất lượng tốt”, ông Tuấn chỉ ra.
Các DN phải tiếp cận được những kênh phân phối ở EU, phải hiểu được văn hóa tiêu dùng của họ để từ đó có thể chinh phục được thị trường. Đây là góp ý của bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK) chỉ ra điểm yếu của các DN Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu vào EU nói chung và Đức nói riêng.
“Người tiêu dùng EU nói chung và người Đức nói riêng rất kỹ tính, nhưng họ lại cũng rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao tìm hiểu về thông tin các sản phẩm, những yếu tố liên quan từ bao bì, cách đóng gói sản phẩm luôn được đề cao vấn đề về yếu tố môi trường, thân thiện với môi trường”, bà Trang nêu ra.
Nhận thấy các DN Việt Nam đang xuất khẩu hàng hóa ở thế bị động, ông Vũ Anh Sơn khuyến cáo các DN cần phải làm rõ khái niệm và tập trung xây dựng thương hiệu theo từng ngành hàng cụ thể. Ví dụ như quần áo và giày dép rất khó cạnh tranh bằng thương hiệu Việt Nam, cho nên chỉ hướng đến những ngành có thế mạnh có thể khai thác được như nông nghiệp, thủy sản…mới có sức cạnh tranh ở EU.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Cục đã và đang tập trung vào những nhóm, mặt hàng của Việt Nam có năng lực để bứt phá ở thị trường EU để ưu tiên đẩy mạnh, xây dựng được những “cánh chim đầu đàn” trong việc phát triển thương hiệu tại EU, từ đó tạo lực kéo để thúc đẩy các DN khác cũng phát triển theo.
Bên cạnh đó Cục Xúc tiến thương mại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, đây là những nét mới để phù hợp với những xu thế hiện nay. Giúp hoạt xúc tiến thương mại hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn về chi phí nhưng thu được những lợi ích cụ thể và thiết thực hơn nữa cho DN trong việc phát triển thương hiệu tại thị trường EU.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc gia tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu Việt Nam sang EU không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các cơ quan xúc tiến thương mại mà còn có vai trò quan trọng của các DN, hiệp hội ngành hàng. Để tạo lập giá trị bền vững, các DN cần tạo sự khác biệt và nâng cao giá trị thương hiệu, qua đó nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam sang các thị trường trong EVFTA và tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA./.