Sáng nay (25/5), tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì làm việc trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất công nghiệp, cung ứng hàng hóa thiết yếu và kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản của địa phương trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh này.

Tại cuộc họp, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, do các ổ dịch xuất phát từ công nhân ở các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn của tỉnh, hiện đã có hơn 1.024 ca nhiễm - cơ bản rơi vào công nhân khu công nghiệp, với 2 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc nằm trong các chuỗi cung ứng sản xuất đa quốc gia trong đó có Sam Sung).

Hiện, Bắc Giang phải tạm đóng cửa 340 nhà máy trong các KCN, khoảng 140.000 chỗ làm công nhân và hàng nghìn chỗ làm của chuyên gia đã được phong toả nghiêm ngặt, theo yêu cầu, chỉ khi các doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế mới được trở lại hoạt động.

vov_vai_thieu_1_eloc_0.jpg

Về nông sản, Bắc Giang hiện có nhiều mặt hàng đến vụ thu hoạch, lớn nhất vải thiều đã vào vụ thu hoạch sớm. Năm nay trái vải được mùa, khả năng đạt 180.000 tấn, trong đó 45.000 tấn đã vào vụ tiêu thụ. Từ 10/6 sẽ vào chính vụ, với khoảng 135.000 tấn. Ngoài ra, còn khoảng 9.000 tấn dứa cũng đang vào vụ thu hoạch, gà khoảng 1.700 tấn, lợn 5.600 tấn – với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng. Do một số địa bàn bị giãn cách để đảm bảo an toàn phòng dịch nên rất khó khăn cho tiêu thụ tất cả các mặt hàng này.

“Lợn gà vẫn tiêu thụ, gà xuống thấp 45.000 - 55.000 đồng/kg. Cách ly nên các tỉnh tiêu thụ dứa ít, dưa hấu 9.000 tấn mới bắt đầu vụ khả năng khó khăn; vải sớm đã thu hoạch hơn 10 ngày, do nhu cầu cao và sản lượng ít nên đã tiêu thụ được 3.700 tấn, xuất khẩu 1.700 tấn còn tiêu thụ trong nước. Vào chính vụ vải thiều xe lên biên giới thì khoảng cách còn gần nhưng vào miền nam thì qua nhiều chốt kiểm soát nên mất nhiều thời gian, khó khăn, không đảm bảo chất lượng quả vải” - ông Lê Ánh Dương thông tin.

Về tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thêm: “Khôi phục sản xuất trong các KCN: Bắc Giang đã dừng sản xuất 340 doanh nghiệp với hơn 3.000 lao động trong 4 KCN…  Phương châm của Bắc Giang là nối lại sản xuất, thích nghi/sống chung với dịch, chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch. Hiện nay đã có 6 doanh nghiệp trở lại sản xuất, 1 số điểm của Sam Sung đăng ký trở lại sản xuất nhưng chưa xong thủ tục và đang nỗ lực để cho 1 số doanh nghiệp Toyota, Hồng Hải trở lại sản xuất”.

Trước rất nhiều khó khăn về sản xuất và đời sống trên địa bàn, ông Dương Văn Thái Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, cùng với sự nỗ lực của địa phương trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch để sớm đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động, tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nông sản trên các các kênh truyền thống và thương mại điện tử. Tỉnh Bắc Giang sẽ có lô vải thiều xuất khẩu sang Nhật vào ngày 26/5, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa coi trọng thị trường nội địa, Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị về sản phẩm này vào ngày 8/6…

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo phối hợp các kênh phân phối và các tỉnh, thành phố tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản khi đã có đầy đủ hồ sơ, giảm thời gian qua các trạm lại kiểm tra.

"Năm nay, Bắc Giang muốn đẩy việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa lên 60% thì việc đưa vào các kênh phân phố là rất quan trọng. Thị trường Trung Quốc vẫn rất quan trọng, đề nghị Bộ quan tâm chỉ đạo các tham tán thương mại… có được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa" - ông Thái nói.

Cùng với đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các kênh phân phối, chủ động nguồn hàng. Hiện nay ở Bắc Giang chưa khan hiếm nhưng cũng đã có hiện tượng mua găm hàng hóa thiết yếu. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng sẽ dẫn đến khan hiếm nguồn cung.

Về hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ cố gắng để đảm bảo “sống chung với dịch”, an toàn phòng chống dịch để duy trì sản xuất.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp để đồng hành và hỗ trợ Bắc Giang cũng như các địa phương có dịch trong chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trên cơ sở 5 đề xuất của tỉnh Bắc Giang, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, riêng với tiêu thụ nông sản, cần đẩy mạnh thương mại điện tử.

Về xuất khẩu trái vải, bà Lê Hoàng Oanh – Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Á - châu Phi cho rằng, Bắc Giang chiếm tới 80% sản lượng vải của cả nước và Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính.

Để tiêu thụ tốt trái vải, bà Oanh kiến nghị: “Đề nghị Bắc Giang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua Zalo… hướng dẫn đối với người tiêu dùng; bao gói quy chuẩn, bên cạnh đảm bảo vùng trồng không Covid-19 nhưng cần theo dõi tâm lý người tiêu dùng và kịp thời thực hiện các biện pháp truyền thông”.

Về xuất khẩu trái vải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ghi nhận sự nỗ lực của Bắc Giang đã có các kịch bản chủ động ứng phó và tìm kiến thị trường, duy trì bạn hàng… Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay Bắc Giang cần đảm bảo quy trình 4 bước cho quả vải xuất khẩu.

“Đề nghị sớm liên hệ với Bộ ý tế để xác nhận quả vải an toàn. Quy cách sản phẩm, số lượng, chất lượng – đề nghị giao cho Sở Công Thương và sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi kêu gọi không chỉ riêng Bắc Giang mà đối với tất cả các địa phương là chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch – Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các thương nhân cũng cần bàn nhau để chia sẻ chi phí để đi chính ngạch. Lưu chuyển, nếu có vấn đề cần liên hệ ngay với Bộ Công Thương để tạo thuận lợi nhất cho Bắc Giang”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, sẽ phối hợp cùng Bắc Giang triển khai tốt 3 nội dung quan trọng: đảm bảo môi trường sản xuất an toàn trong các KCN, doanh nghiệp; tiêu thụ nông sản và khôi phục chuỗi cung ứng.

Riêng đối với trái vải thiều, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý: “Các bên thống nhất xác định mục tiêu là tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước là quan trọng nhất. Nếu trước 50% thì nay đẩy lên hơn nữa bởi thị trường 100 triệu dân. Đồng thời, xuất khẩu duy trì như các năm, phương châm giá thành không thay đổi, chi phí có thể chia sẻ với đối tác để giữ thương hiệu và giữ thị trường. Chúng ta không dùng giải cứu mà là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm có thương hiệu này. Không chỉ trái vải thiều mà hàng loạt nông sản khác của Bắc Giang đều phải có kế hoạch rất cụ thể”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm và bán hàng online… Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các cửa khẩu để đảm bảo việc thông quan dễ dàng, thuận lợi cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, đề phòng khả năng khả năng khan hiếm hàng hóa thiết yếu nếu dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là không để khan hiếm, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt trong các khu cách ly… Đồng thời đề nghị Bắc Giang xây dựng, đảm bảo phương án 4 tại chỗ gắn với các kịch bản ở các cấp độ khác nhau. Nơi nào không an toàn dứt khoát không cho sản xuất trở lại. Nếu đủ điều kiện để sản xuất thì phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng trở lại sản xuất./.