Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu bức xúc khi bị các hãng tàu nước ngoài thu nhiều khoản phí vô lý, trong đó có phí kẹt cảng. Do bị lạm thu trong một thời gian dài, một số doanh nghiệp đang tính chuyện đòi lại phí kẹt cảng.
Cảng hết kẹt, một tháng sau vẫn thu
Mới đây, nhiều hiệp hội, ngành hàng đã gửi văn bản “kêu cứu” đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tình trạng các hãng tàu thu nhiều khoản phí vô lý kéo dài từ năm 2010 đến nay.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải TP HCM, có tổng cộng 38 hãng tàu hoạt động tại khu vực cảng biển TP HCM thông báo thu phí kẹt cảng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái (thuộc sự quản lý, khai thác của Tân Cảng Sài Gòn). Khi cảng Cát Lái có thông báo cảng hết ùn tắc từ ngày 5/8, các hãng tàu vẫn “đủng đỉnh” thu loại phí này. Tổng hợp của Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho thấy một số hãng tàu ngừng thu phí kẹt cảng sớm nhất là từ ngày 18-8, thậm chí đến ngày 8-9, hãng tàu cuối cùng mới thông báo ngừng thu loại phí này.
Không những thu phí kẹt cảng, các hãng tàu còn thu nhiều phí khác như phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi. Theo các doanh nghiệp, hiện họ đang phải chịu 10 loại phí và phụ phí do các hãng tàu và chủ tàu thu.
Giá các loại phụ phí cũng tăng theo từng năm, theo đó, 6 tháng đầu năm 2014 tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2013. Báo cáo của Hiệp hội Da giày Việt Nam cho thấy hàng năm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu da giày phải trả các loại phụ phí lên tới 110 triệu đô la Mỹ (hơn 2.300 tỉ đồng). Khi phân tích thì thấy rằng việc thu phụ phí như vậy là không có căn cứ pháp lý, không tuân theo thông lệ quốc tế mà bị áp đặt một phía từ chủ tàu.
Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, hiện nay, đội tàu biển Việt Nam chưa đủ năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu nên các doanh nghiệp phải thuê tàu của nước ngoài. Thực chất các loại phí này nằm trong giá cước vận tải, song các hãng tàu hạ giá cước để giành hợp đồng và tăng phụ phí nhằm bù lại giá cước.
Lý giải cho việc lạm thu các loại phí, đại diện các hãng tàu cho rằng do giá cả hàng hóa tăng từng năm nên giá các loại phí và phụ phí cũng phải tăng theo! Các hãng tàu cho biết họ cũng phải chịu rất nhiều chi phí như phí bốc dỡ ở các cảng trung chuyển, những loại phí “bôi trơn” mà doanh nghiệp không thấy được.
Doanh nghiệp tính chuyện đòi lại phí
Quá bức xúc vì bị lạm thu phí kẹt cảng trong một thời gian dài, bà Liên cho biết trong cuộc họp mới đây giữa các hãng tàu với Cục Hàng hải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thuộc ba hiệp hội: thủy sản, da giày và may mặc đã yêu cầu các hãng tàu trả lại phí kẹt cảng. “Khi các doanh nghiệp yêu cầu thì các hãng tàu không thấy có ý kiến gì. Khi doanh nghiệp hỏi cơ quan quản lý nhà nước thì mới biết lâu nay không có cơ quan nào quản lý vấn đề thu phí của các hãng tàu”, bà nói.
Đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận rằng các doanh nghiệp thuộc VASEP cũng đang xem xét các thủ tục pháp lý để đòi lại phí kẹt cảng đã bị các hãng tàu thu “lố” trong thời gian qua.
Theo bà Liên, để đòi lại được phí này thì phải có sự hợp tác từ phía Tân Cảng Sài Gòn và sự can thiệp của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, do chưa có cơ quan nào quản lý vấn đề thu phí của hãng tàu nên doanh nghiệp bơ vơ không biết kêu ai.
Trao đổi với TBKTSG, một luật sư (đề nghị không nêu tên) của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết về nguyên tắc, khi cảng đã hết kẹt thì hãng tàu phải dừng thu. Nếu hãng tàu lạm thu thì doanh nghiệp có quyền đòi lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thu thập đầy đủ các văn bản chứng minh thời điểm cảng hết kẹt và chứng từ hãng tàu thu từ ngày nào đến ngày nào, đồng thời, phải căn cứ vào các văn bản pháp lý của Việt Nam và quốc tế, khi đó mới có đầy đủ chứng cứ để đòi lại loại phí này.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của doanh nghiệp về vấn đề quản lý việc thu phí của hãng tàu, ông Bùi Thiên Thu cho biết Cục Hàng hải sẽ kiến nghị Bộ GTVT giao cho Cục Hàng hải phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thành lập tổ công tác liên ngành để quản lý, giám sát việc thu phụ phí tàu biển, đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế quản lý phù hợp.
Trong khi chờ tổ công tác liên ngành được thành lập thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn phải “ngậm ngùi” móc túi đóng các khoản phí vô lý cho các hãng tàu nước ngoài vì không còn lựa chọn nào khác. Và xem chừng việc đi đòi lại phí kẹt cảng của doanh nghiệp còn gian nan./.