Trải qua quá trình phát triển, thị trường chứng khoán đã từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm và tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán bên cạnh việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng để đa dạng hóa nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, trong đó có nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội ngày 8/5, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2020, trong đó có đề ra mục tiêu  khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế.

son_bodf.jpg
Ông Phạm Hồng Sơn

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán cùng với các đơn vị cùng nỗ lực xây dựng chính sách để tạo điều kiện thu hút dòng vốn gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường mục tiêu tăng cường tiếp cận thị trường vốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, trong quá trình thực thi chính sách hiện vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.

Theo đánh giá của ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, thị trường vốn của Việt Nam đã có bước tiến nhất định, cách đây 3 năm, vốn hóa mới đạt khoảng 50- 60 tỷ USD, hiện tại con số này đã lên đến 180 tỷ USD.

Song, ông Tuấn cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, bất cập đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường vốn tại Việt Nam. "Về mặt vĩ mô, chính sách, nhà đầu tư nước ngoài thích Việt Nam, tuy nhiên khi có tiền họ không biết đầu tư vào cổ phiếu nào. Bởi vì những cổ phiếu họ muốn đầu tư phần lớn hạn chế về FOL (giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài)", ông Tuấn nói.

Room cho các nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. (Nguồn: Dragon Capital, thống kê đến ngày 23/4/2019)

Đại diện Dragon Capital cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ tiền vào Việt Nam cũng khó, không có hàng hoá để đầu tư.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị, cần phải giải tỏa tạo những cơ chế để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận sâu hơn với thị trường vốn của Việt Nam nhằm tạo ra động lực, đột phá mới để phát triển thị trường vốn.

Ông Lê Anh Tuấn

Ông Tuấn cũng đưa ra một số đề xuất: Dùng chứng chỉ không có quyền biểu quyết - NVDR của Thái Lan làm cơ sở để hiệu chỉnh cho phù hợp với điều lệ tại Việt Nam và tạo ra các sản phẩm NVDP Việt Nam. Thí điểm ở 1 vài công ty đã hết room và có quản trị doanh nghiệp tốt. Trong giai đoạn 1, phát hành tối đa 15% NVDR.

NVDR là chứng khoán không được phát hành sơ cấp, mà phát hành thứ cấp thông qua các nhà đầu tư. Đặc điểm của NVDR là được giao dịch và khớp lệnh cùng với các lệnh mua/bán cổ phiếu trên cùng một sổ lệnh. 1 NVDR tương đương với 1 cổ phiếu cơ sở. NVDP không giới hạn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu của những đề xuất này là tăng tỉ lệ huy động vốn qua thị trường, vốn hóa thị trường/GDP đạt 100% vào năm 2020 và 125% vào năm 2025, nâng hạng thị trường và phù hợp với đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Thực tế cho thấy, hiện nay, chưa đến 8% doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) mở room trên 49% cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách HOSE đã đưa ra giải pháp giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty niêm yết khi nới room phải rà soát ngành nghề có điều kiện và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin và tiến hành thủ tục với cơ quan hữu quan. 

Bà Nguyễn Thị Việt Hà

Bên cạnh đó, về mặt kinh tế khi nới room trên 51% bị coi là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, như lĩnh vực y tế bị hạn chế đầu tư vào khu vực công, hay IT gặp bất lợi nhất định khi tham gia vào các dự án có vốn nhà nước..., bà Hà cho hay.

Bên cạnh cổ phiếu, HOSE đang triển khai sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF và dự kiến triển khai chứng quyền có đảm bảo vào tháng 6. HOSE đang nghiên cứu cổ phiếu không có quyền biểu quyết (FOL) và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), đại diện HOSE cho biết.
Thị trường chứng khoán dần khẳng định và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2017 đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 70,2% GDP, vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2020. Năm 2018 thị trường tiếp tục duy trì đà phát triển, tính đến ngày 24-5-2018 mức vốn hóa thị trường đạt 3.846 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2017, tương đương 76,8% GDP./.