Tiếp tục chương trình phiên họp 33, chiều nay 16/4, cho ý kiến vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Cần tiếp tục đánh giá tác động và có lộ trình thực hiện đối với việc cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 135 điều, quy định rõ: chứng khoán đã chào bán ra công chúng phải được niêm yết, đăng ký giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô thị trường chứng khoán hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng. Đồng thời, làm rõ sự khác nhau về mặt pháp lý giữa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khác và doanh nghiệp khác? Với việc cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ thì mặt được và rủi ro là gì.

dcc_1530629786873342559948_0_0_399_710_crop_15306297903751422152912_yrxs.jpg
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Trần Văn Dũng. (Ảnh: TTXVN)

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng thừa nhận: “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán thì rất rủi ro, nên Luật chứng khoán chỉ quy định chào bán riêng lẻ chứ chưa phải chào bán ra công chúng. Chào bán riêng lẻ tức là chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thứ hai, hiện nay hầu hết các nước chưa đưa quy định chào bán riêng lẻ cũng như tổ chức thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp vào Luật chứng khoán. Nhưng trên thực tế, thị trường này góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực của xã hội để tiếp sức cho các ý tưởng sáng tạo”.  

Một số ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm khơi thông dòng vốn hỗ trợ của doanh nghiệp xong cần tính tới yếu tố bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định: các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công không cao cho nên chỉ chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, chưa bán rộng ra công chúng. Tuy nhiên như vậy thì tính bình đẳng như nào? Cần tiếp tục đánh giá tác động và có lộ trình thực hiện.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng: Luật chứng khoán (sửa đổi) nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Do đó, cần tập trung chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và tăng tính thẩm quyền cho Ủy ban chứng khoán, đảm bảo tính độc lập về mặt nghiệp vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Thị trường biến động, có công ty mẹ, công ty con, công ty cháu, quy định rõ tỷ lệ. Nếu quy định không rõ, chính ta bó ta, làm không được hoặc không theo thông lệ thì không phát triển được.
Thứ hai, mô hình quản lý như thế nào? Thị trường chứng khoán quy định quyền và trách nhiệm của Ủy ban thuộc hay không thuộc không quan trọng, nhưng có quyền theo chuẩn mực chung của thế giới thì phát triển. Quan điểm của tôi là nếu thông lệ quốc tế chẻ ra, hãy thực sự thẩm quyền độ tin cậy trong quan hệ quốc tế và giới thị trường, trong đó nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây là vấn đề cốt lõi”.

Sáng mai, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức. Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến vào dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam./.