Theo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI 2019 công bố hồi tháng 5 vừa qua, Đồng Tháp tiếp tục giữ ngôi vị Á quân và là địa phương duy nhất có 12 năm liên tục nằm trong nhóm đầu cả nước.

Là địa phương không có núi, không có biển, không có nhiều tài nguyên khoáng sản, thậm chí từng bị coi là “khuất nẻo”, bằng cách nào mà Đồng Tháp đạt được kết quả này?

12 năm liên tiếp, PCI Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Trong đó, có lần 4 xếp hạng nhì và một lần đạt ngôi vị Quán quân năm 2012.

dong_thap_vov_2__DTWV.jpg
Tỉnh Đồng Tháp 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đây là kết quả của sự khao khát phát triển của một địa phương không có nhiều “thiên thời, địa lợi”, nên quyết tâm xem thứ hạng PCI như là một sức mạnh mềm để thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng hơn là Đồng Tháp có cách đánh giá rất khác về giá trị của doanh nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: "Thực sự trong quá trình điều hành mười mấy năm nay có những câu chuyện phát triển ở Đồng Tháp, không phải lãnh đạo tỉnh, nghị quyết phát hiện ra, mà do doanh nghiệp họ đến đây, họ thấy điều đó".

Bằng nhận thức đó, hệ thống chính trị nói chung và bộ máy công quyền tỉnh Đồng Tháp đã chuyển biến rất nhanh sang hành động đúng với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, từ “ xin - cho” thành “ đồng hành”, từ “suy nghĩ cho doanh nghiệp” thành “suy nghĩ như doanh nghiệp”.

Qua đó, đã sáng tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Một trong số đó là mô hình “Cà phê doanh nghiệp” nay đã được nhân rộng ra 40 tỉnh thành. Còn tại Đồng Tháp, mô hình này đã lan tỏa xuống tới cấp huyện và các sở ngành. Ngoài ra, thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền cũng được cập nhật liên tục đến doanh nghiệp.

Đồng Tháp luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Lương Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp cho rằng: "Không những Đồng Tháp có những mô hình tiếp cận doanh nghiệp, gần gũi doanh nghiệp ở cấp tỉnh mà theo tôi bây giờ đã lan tỏa xuống cấp huyện.

Bản thân tôi là Phó của Hội Doanh nhân trẻ, tôi đã từng đi khai trương cà phê doanh nhân ở rất nhiều đơn vị huyện, ví dụ như huyện Tam Nông, huyện Lấp Vò, huyện Cao Lãnh".

Còn ông Hồ Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp thì chia sẻ: "Đối với tỉnh Đồng Tháp thông tin minh bạch, công khai và kịp thời cũng là bước thuận lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp tôi ngày nào cũng nhận được một thông tin về các hoạt động của tỉnh cũng như của các huyện, thị để mình nắm bắt. Thường những thông tin đó thì từ cổng thông tin điện tử sẽ gửi qua địa chỉ Email của lãnh đạo các doanh nghiệp".

Không tự bằng lòng với chính mình, mỗi năm, sau khi kết quả xếp hạng PCI được công bố, chính quyền tỉnh Đồng Tháp lại mời cộng đồng doanh nghiệp cùng ngồi lại, phân tích, mổ xẻ những mặt được và chưa được. Từ đó, các sáng kiến mới lại tiếp tục ra đời như: Hẹn giờ thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà, trả kết quả tận nhà qua Bưu điện; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại Bộ phận một cửa kết hợp các Bưu điện Văn hóa cấp xã. Thời gian xử lý hồ sơ doanh nghiệp liên tục được rút ngắn, 100% đều giải quyết đúng hạn.

Chính quyền tỉnh Đồng Tháp thường xuyên mời cộng đồng doanh nghiệp cùng ngồi lại, phân tích, mổ xẻ những mặt được và chưa được.

Theo ông Đăng Xuân Huy, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, với 12 năm liên tục giữ vững vị trí top đầu cả nước về chỉ số PCI, có thể nói “Đồng hành cùng doanh nghiệp” đã trở thành bản chất của bộ máy công quyền tỉnh Đồng Tháp.

"Phải khẳng định rằng đây là một sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì rất là cầu thị của chính quyền Đồng Tháp mà đặc biệt rất là lắng nghe khi có phản ánh, phản hồi của doanh nghiệp. Tôi cho rằng chính quyền Đồng Tháp đã xây dựng được một phong cách lắng nghe được phục vụ cũng như bảo vệ được chỉ số PCI. Tôi cho đó là một đẳng cấp chứ không phải gọi là phong độ nhất thời" - ông Đăng Xuân Huy chia sẻ.

Từ lâu, đối với Đồng Tháp, xếp hạng PCI từ động lực bên ngoài đã chuyển hóa thành nội lực bên trong. Khái niệm “đồng hành cùng doanh nghiệp” đã dần chuyển thành “đồng hành với mọi tầng lớp nhân dân”. Bằng chứng là một tuần trước ngày công bố PCI 2019, tỉnh Đồng Tháp cũng nhận được kết quả chỉ số PAPI xếp hạng thứ hai cả nước.

Theo ông Lê Minh Hoan, điều này đã tạo thành sức mạnh “nhân hòa” làm nền tảng cho phát triển địa phương nói chung, và là cơ sở để Đồng Tháp giữ vững vị trí top đầu PCI suốt 12 năm qua.

"PCI là một cảm nhận mà nhiều khi còn là cảm xúc nữa; nhiều khi cảm xúc còn quan trọng hơn cảm nhận. Cảm xúc đó chính là một địa phương hài hòa giữa lãnh đạo, bộ máy công quyền, bộ máy phục vụ với mọi thành phần xã hội. Đặc biệt ở đây là lực lượng doanh nghiệp, câu chuyện nhân hòa đó để nó kích thích, không phải chỉ là câu chuyện thứ hạng mà tạo ra nền hài hòa trong xã hội" - ông Lê Minh Hoa cho biết.

Mới đây, ngày 24/5, Đồng Tháp lại được xếp thứ Ba về chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index). Kết quả này, một lần nữa minh chứng, Đồng Tháp đang thực sự hướng đến mục tiêu xây dựng “xã hội hài hòa”, mà ở đó, vai trò của bộ máy công quyền là kiến tạo và phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân trong tiến trình phát triển./.