Thị trường tìm điểm cân bằng

Phiên giao dịch ngày 8/7, thị trường trong nước điều chỉnh giảm sau phiên phục hồi mang tính kỹ thuật ngày 7/7. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán, Thép… chịu áp lực bán ngay từ khi mở cửa là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường giảm trong phiên 8/7. Đà giảm đã có lúc lấy đi của thị trường 23 điểm nhưng thanh khoản thấp có thể là dấu hiệu của việc tìm kiếm điểm cân bằng trong nhịp giảm vừa qua.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số VN-Index giảm 13,87 điểm còn 1.374,68 điểm, trong khi đó, chỉ số VN30 sụt 17,56 điểm còn 1.521,21 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 148 mã tăng/204 mã giảm, ở rổ VN30 có 7 mã tăng, 21 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.

Thanh khoản thị trường giảm còn 19.000 tỷ đồng, áp lực giảm từ các thị trường trong và ngoài nước đã khiến nhà đầu tư thận trọng trong phiên hôm nay. Khối ngoại trở lại bán ròng hơn 257 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), mức dao động của thị trường ở phiên 8/7 nhỏ hơn so với 3 phiên trước đó và cũng thấp hơn so với bình quân 5 phiên gần đây trong bối cảnh thảnh khoản giảm cũng có thể là tín hiệu của việc thị trường đang đi tìm điểm cân bằng sau nhịp giảm gần 90 điểm vừa qua.

“Nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp”, chuyên gia của MBS nêu quan điểm.

Rủi ro thị trường giảm điểm vẫn hiện hữu

Ông Lê Hoàng Phương, Chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thanh khoản thị trường giảm cảnh báo rủi ro thị trường sẽ dần mất đi sự hỗ trợ đến từ yếu tố dòng tiền. Các chỉ báo động lượng như MACD và RSI tiếp tục duy trì xu hướng giảm, cho thấy trong ngắn hạn thị trường vẫn có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh. Tuy nhiên, về mặt trung hạn, VN-Index vẫn được sự hỗ trợ bởi đường xu hướng kéo dài từ tháng 4/2020.

“Chỉ số có thể sẽ sớm bình ổn trở lại xung quanh vùng hỗ trợ quanh vùng 1.325-1.340 điểm - nơi có sự hiện diện của đường SMA50 và đường dưới của dải Bollinger. Vùng 1.385-1.400 sẽ tiếp tục đóng vai trò là vùng kháng cự đối với nỗ lực hồi phục và tái thiết đà tăng điểm của chỉ số”, ông Lê Hoàng Phương nhận định.

Theo chuyên gia của BVSC, mặc dù rủi ro thị trường giảm điểm vẫn hiện hữu, nhưng nhìn chung VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm có diễn biến ổn định hơn trong thời gian tới. Kết quả kinh doanh tích cực được kỳ vọng có thể sẽ là động lực giúp thị trường tăng điểm trở lại.

“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở mức 40%. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng lớn tiền mặt có thể xem xét thực hiện việc giải ngân 1 phần vào các mã cổ phiếu được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2 khi thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh mức 1.325-1.340 điểm”, chuyên gia của BVSC khuyến cáo.

Còn theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng thị trường hiện vẫn đang ở mức trung tính do VN-Index vẫn giữ được hỗ trợ trung hạn quanh 1.330 điểm (MA50), tuy nhiên, rủi ro chuyển sang nhịp điều chỉnh sâu hơn với target quanh ngưỡng 1.210 điểm vẫn để ngỏ. Sẽ cần quan sát thêm diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần xem VN-Index có thể lấy lại ngưỡng 1.385 điểm (MA50) không để nhận định về xu hướng tuần tiếp theo.

“Trong phiên giao dịch hôm nay 9/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động giằng co với biên độ trong khoảng 1.330-1385 điểm (MA20-ngưỡng tâm lý). Nhà đầu tư đã chốt lãi hạn chế mua vào và nên chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm và tận dụng những nhịp tăng điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn”, chuyên gia của SHS khuyến nghị./.