Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính trên thế giới. Từ góc độ người tiêu dùng, tài chính số được coi là “trợ lý tài chính thông minh”, giúp mọi người học nhanh hơn kĩ năng quản lý tài chính cá nhân cũng như có nhiều công cụ hỗ trợ hơn cho việc phân tích, xác định mục tiêu tài chính, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch tài chính một cách thuận lợi và hiệu quả.

Đối với thế hệ trẻ, việc trang bị cho bản thân kĩ năng quản lý tài chính cá nhân để có được nguồn tài chính ổn định, lâu dài, tránh được những rủi ro do tác động bên ngoài là rất cần thiết.

Trên thế giới, chính phủ nhóm các quốc gia phát triển đều xác định toàn dân là đối tượng mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính quốc gia. Đồng thời, các quốc gia cũng xác định những nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể. Trong đó, thế hệ trẻ (thanh thiếu niên) thường là nhóm đối tượng ưu tiên của đa số các quốc gia thực thi Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Về vấn đề quản lý tài chính đối với người trẻ, giới trẻ nói chung, sinh viên nói riêng, việc đặt thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân để vay nóng tiền, rồi trả lãi cao vì rơi vào bẫy tín dụng đen… là những câu chuyện không hề hiếm gặp. Vì vậy, nếu được nâng cao nhận thức, hiểu biết về tài chính - ngân hàng, giới trẻ, sinh viên sẽ tránh được các loại "bẫy" tín dụng đen. 

Chuyên gia tài chính, ông Đoàn Đức Minh cho rằng: “Chúng ta phải có những gói chi tiêu hợp lý, hàng tháng có tiền điện tiền nước, chi phí cố định là một gói riêng, còn tiền ăn tiền xăng xe, là một gói riêng, là nhất định phải có gói để tiết kiệm. Chi phí hàng ngày nên chia cho từng ngày rồi quản lý theo ngày sẽ hiệu quả hơn”.

Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu, trong đó 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; it nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng.

Trong đó, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% - 25% hàng năm và  khoảng 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hành Nhà nước Việt Nam./.