Sáng 9/12, tại Hà Nội diễn ra "Diễn đàn Xây dựng thương hiệu quốc gia cho Công nghệ tài chính Ngân hàng". Diễn đàn tập trung định hướng xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Theo thống kê của Diễn đàn, công nghệ tài chính ngân hàng Fintech tại Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng, từ 74 công ty năm 2017 lên gần 140 công ty vào cuối năm ngoái. Cùng với đó, hiện nước ta có nhiều lợi thế phát triển Fintech đó là thị trường nội địa lớn, còn nhiều dư địa phát triển; dân số tương đối trẻ và lượng người sử dụng điện thoại thông minh cao.

Tuy nhiên công nghệ tài chính ngân hàng Fintech tại Việt Nam vẫn chưa phát triển bằng các nước ASEAN khác trong khu vực. Cụ thể khảo sát năm 2019 của Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB), 28% công ty Fintech sẽ chọ Singapore làm nơi đặt trụ sở, so với tỷ lệ 13% công ty sẽ chọn Việt Nam.

Cùng với đó, vấn đề đang đặt ra phát triển Fintech tại nước ta đó là những rủi ro, thách thức về cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; Quy định về hoạt động về công nghệ tài chính chưa được ban hành; các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung còn thiếu; Cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu mới manh nha; Văn hóa giấy tờ, thói quen dùng tiền mặt còn nặng nề…

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, để xây dựng một thương hiệu quốc gia cho công nghệ tài chính ngân hàng, đầu tiên là ngành ngân hàng phải tận dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 để giao dịch và kết nối với khách hàng. Đồng thời cần đảm bảo tiêu chí an toàn, tiện lợi và chi phí thấp, đây là chỉ tiêu hàng đầu cho dịch vụ tài chính ngân hàng. Cũng theo ông Hiếu, hình thức cho vay ngang hàng - một công nghệ tài chính mới nổi đang được xây dựng để thử nghiệm nên cần Chính phủ ban hành quy định trong thời gian tới.

“Cho vay ngang hàng là bước rất quan trọng và tôi mong Chính phủ ban hành sớm quy định này. Cứ mỗi ngày chưa có quy định về P2P Lending, là 1 ngày chúng ta giờ phải chứng kiến nhiều thiệt hại hơn cho nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, nguy hiểm nhất là lỗ hổng về sự vắng mặt của các quy định pháp luật, trong việc cho vay giữa các cá nhân và các thành phần kinh tế với nhau mà không thông qua hệ thống ngân hàng truyền thống”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, cơ quan quản lý cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech theo cách tiếp cận mở, nhưng kiểm soát được rủi ro; ban hành các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung; có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu ở các cấp độ khác nhau.

Tiếp tục tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới; hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý Fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất… có qui định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, Fintech, Bigtech, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử… Chú trọng đẩy nhanh hoàn thiện, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu định danh cá nhân và doanh nghiệp…

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Viện phó Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nêu quan điểm, chuyển đổi quy trình vận hành theo hướng số hóa đang là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay cho các ngân hàng.

“Chắc chắn các ngân hàng thương mại sẽ phải và phải nghiên cứu lại chiến lược, tầm nhìn và quản trị trong thời đại số. Ngân hàng buộc phải đầu tư rất lớn về mặt công nghệ, thay đổi Core banking để tích hợp đa kênh cung ứng cho khách hàng. Đấy là câu chuyện ông phải đầu tư, phải thay đổi về quy trình vận hành và quy trình xử lý nội bộ, muốn số hóa quy trình thì các ngân hàng viết lại quy trình của mình”, ông Hòe chỉ rõ./.