Cũng như nhiều mặt hàng khác, việc các địa phương vùng ĐBSCL lập các chốt hạn chế lưu thông để phòng chống dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho hoạt động chăm sóc, thu hoạch và mua bán tổ yến thương phẩm.
Với các trang trại nuôi chim yến xa nhà, người nuôi yến rất khó khăn trong việc qua các chốt kiểm dịch để chăm sóc, thu hoạch tổ yến kịp thời. Các phương tiện, thiết bị phục vụ tại nhà yến lâu ngày bị hư hỏng cũng không khắc phục được do cán bộ kỹ thuật ngưng làm việc, dẫn đến thiệt hại cho người nuôi chim yến, nhất là công tác dẫn dụ chim yến.
Hơn nữa, do vắng người chăm sóc nên các loài thiên địch đến phá hoại trứng, giết chim con, cắn chết chim mẹ làm cho nhà yến rã đàn. Ngoài ra, ở một số vùng nông thôn, việc vận chuyển của các doanh nghiệp kinh doanh tổ yến còn gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc thu mua tổ yến của nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có 42/63 tỉnh, thành có mô hình nuôi chim yến với hơn 9.000 nhà yến. Đối với vùng ĐBSCL, mô hình nuôi chim yến phát triển nhanh tại các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre...
Trước những bất cập nêu trên, Hiệp Hội yến sào Việt Nam vừa có văn bản số 18 gửi Sở NN&PTNT các tỉnh thành có mô hình nuôi chim yến và Bộ NN&PTNT kiến nghị các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nuôi và sản xuất kinh doanh tổ yến để phục vụ nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Văn Như, chủ trang trại nuôi chim yến hàng đầu tại Thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cho biết, do dịch Covid-19, bị chốt chặn nên mấy ngày qua ông ở nhà, không vào nhà yến được. Nhân viên nghỉ hết nên cũng không có ai thu hoạch tổ yến, máy phun sương trên nhà yến bị cháy cũng không có thợ sửa.
"Yến bán chậm bởi giãn cách. Có mấy người ở TP.HCM dặn mua mà không gửi lên được, bưu điện đâu có đi được" -ông Như cho biết thêm./.